2/6/21

NHÂN CHI SƠ, TÍNH BỔN THIỆN?

Nhân sinh quan...!

Có người nói: " Nhân chi sơ, tánh bổn thiện"

Có người lại nói: " Nhân chi sơ, tánh có ác và thiện". Nhưng dù thiện hay ác, ta đều thay đổi sau một quá trình trưởng thành trong xã hội. 


Vậy điều gì làm ta thay đổi, đó là:


"Nhân chi sơ, tánh bổn thiện,

Tính tương cận, tập tương viễn"

Cẩu bất giáo; Tính nãi thiên

Giáo chi đạo; Quí dĩ chuyên"


Tạm dịch:


*Người ta lúc đầu vốn có cái tính tốt lành

Tính ấy gần giống nhau nhưng do thói tục mà khác nhau

Nếu không dạy thì cái tính ấy thay đổi.

Cách giáo dục là lấy chuyên làm trọng."


Ý nói, con người khi sinh ra vốn có cái tính thiện trong người. Nhưng trong quá trình trưởng thành do trải nghiệm, giáo dục của mỗi người mà nhân sinh quan dần thay đổi dẫn đến nhận thức cũng khác nhau. 

Nhận thức của con người đều theo nguyên tắc: cái gì tiếp nhập vào trước thì sẽ trở thành quan niệm. Cha mẹ, thầy cô, hàng xóm, bạn bè...từ nhỏ gieo vào đầu một đứa trẻ hệ quan niệm Đúng/Sai, Tốt/Xấu, Nên/Không nên, Giỏi/Dở,....và chúng ta đánh giá người khác dựa trên hệ nhận thức đó. Tuy nhiên, nếu một người luôn dùng ánh mắt của quá khứ đi nhìn người khác, thì sẽ không tránh được những kết luận sai lầm. 

Có một số người bạn thời tiểu học, trung học và đại học đã để lại ấn tượng rất sâu sắc, nhưng chỉ mấy năm sau cà phê với nhau, mình phát hiện rằng những người này cũng chỉ có nhiêu đó nói miết. Nhiều thầy cô xưa mình ngồi nghe thấy ngưỡng mộ, nhưng gặp lại thì thấy cách nghĩ của họ đã cũ quá rồi. 

Ông bà cha mẹ mình cũng vậy, mỗi lần gặp là thấy họ nghĩ nhỏ và áp đặt quá, cứ nói với mình sự chắc ăn và ổn định, an toàn, danh lợi bé con con, miếng đất cái nhà, cái xe, cái công việc. Mình trước mặt họ thì vẫn vui vẻ, nhưng trong lòng đã nghĩ khác. Những giá trị nhân sinh và nghề nghiệp tiếp cận không còn giống nhau nữa, tuy tình cảm cá nhân vẫn còn đầy, nhưng không sao trò chuyện lâu được nữa.

Mình quan sát thấy, người có đầu óc mở có sự biến đổi nhận thức rất nhanh. Có bạn lúc nhỏ rất nhu nhược, thiếu quyết đoán, nhưng hiện tại tư duy lại sắc bén, nhanh nhẹn; có người vốn vô tư hào phóng thì nay lại trở nên hết sức nhỏ nhen, tham lam; có người nói nhiều  nay lại trở nên trầm mặc ít nói; lại có người vốn là lạnh lùng ít nói, giờ thành người nói chuyện sắc sảo vô cùng, có người xưa ganh đua tỵ nạnh tham lam, sau ngộ ra mà hào sảng phóng khoáng hay giúp đỡ người khác rất đẳng cấp; có người xưa học dở mà giờ thành công vang dội; có bạn xưa học giỏi cực kỳ, giờ lại chật vật kiếm sống qua ngày hoặc công danh nhạt như nước ốc. Vì sao vậy?

Nên vế sau của Tam Tự Kinh, mới là điều làm cho ta nên suy nghĩ và tập trung, đó là. 

"Sự giáo dục, lấy chuyên làm trọng"

Giáo dục ở đây có thể hiểu là "Thầy giỏi, sách hay, bạn tốt" và cần ở đây là chuyên cần, chăm chỉ, tập trung và kiên nhẫn. 

<Sưu tầm từ page: Tủ sách Nguyễn Duy Cần>



No comments:

Post a Comment