Tôi tin rằng bước ra khỏi vùng an toàn là một cách tuyệt vời để xây dựng khả năng phục hồi về mặt tinh thần và tôi khuyến khích bạn thử làm điều đó. Sao lại không thực hiện một số thử thách vốn khiến bạn sợ hãi và buộc bạn tiếp xúc với những điều chưa biết?
Cơ thể tôi bắt đầu có những triệu chứng khó chịu nhưng tôi không hề nghĩ rằng tâm trí mình là nguyên nhân gây ra chúng. Làm sao mà tâm trí tôi có thể khiến tim tôi đập nhanh hơn, làm tay tôi run rẩy và tạo ra những cơn buồn nôn? Tôi nghĩ rằng cơ thể tôi đang mắc bệnh. Khi đến gặp bác sĩ để hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra với mình tôi thật sự ngạc nhiên với chẩn đoán mình nhận được: Rối loạn lo âu kèm những cơn hoảng loạn tái phát. Tất cả những thứ này được sinh ra từ tâm trí tôi. Tôi không nhận ra suy nghĩ của mình có sức mạnh như thế nào và toàn bộ điều này làm tôi bối rối.
Phải mất một lúc để tôi xử lý hết thông tin đó và chấp nhận những gì đang diễn ra với mình. Tôi phải thừa nhận rằng sự thiếu hiểu biết và nỗi sợ rằng mình sắp “điên” đã khiến tôi phủ nhận chẩn đoán này lúc ban đầu. Tôi quá lo lắng về sự kỳ thị liên quan đến sức khỏe tâm thần đến nỗi tôi bị phân tâm bởi những thứ tôi tự vẽ ra còn hơn là tình hình thực tế.
Bác sĩ gợi ý một số cách để tôi làm giảm chứng rối loạn lo âu (một khóa trị liệu hành vi nhận thức và một buổi nói chuyện trị liệu) nhưng tôi muốn đánh giá các lựa chọn và tự học về những gì đang diễn ra với bản thân trước. Sau này tôi vẫn có thể tham gia liệu pháp mà bác sĩ đề xuất. Để có thể lựa chọn một phương pháp sáng suốt cách đối phó với chứng rối loạn lo âu, tôi bắt đầu đọc. Đây không chỉ là đọc thông thường, đây là một nỗ lực nghiêm túc. Tôi mải mê tìm hiểu những gì đang diễn ra với mình đến độ trở nên ám ảnh bởi việc đọc càng nhiều càng tốt. Tôi tha thiết tìm kiếm câu trả lời.
Trong khoảng thời gian nghiên cứu này tôi đã bắt gặp nhiều quan điểm vô cùng bổ ích. Tôi đọc về chữa trị nhận thức hành vi, Phật giáo và khái niệm “phát triển tư duy”. Tôi đọc vô số cuốn sách về sức khỏe tâm thần, self-help, tâm lý học và triết học. Tôi đọc tiểu sử và tự truyện. Tôi đọc bất cứ thứ gì có thể giúp tôi hiểu được sự lo âu của mình. Tôi chưa bao giờ tiếp thu nhiều kiến thức đến thế. Chính trong khoảng thời gian này tôi biết đến Chủ nghĩa Khắc kỷ. Điều này làm thay đổi mọi thứ.
Chủ nghĩa Khắc kỷ dạy tôi làm sao để tự nguyện cảm thấy khó chịu
Những quan niệm của chủ nghĩa khắc kỷ ngay lập tức đồng điệu với tôi và cảm thấy kết nối với chúng. Tôi cảm thấy tư duy triết học Hy Lạp cổ đại này có thể giúp tôi sống một cuộc sống tốt hơn. Bản chất thực dụng của chủ nghĩa này lôi cuốn tôi và những lời khuyên dường như lúc nào cũng đúng. Có rất nhiều khái niệm mà tôi cảm thấy hữu ích, chẳng hạn như hình dung trước sự tiêu cực cho đến cách chúng ta phản ứng trước những sự kiện ngoài tầm kiểm soát của mình (điều này đặc biệt hữu ích với tâm trí dễ hoảng loạn như tôi).
Số sách tôi đọc về chủ nghĩa này tăng lên. Càng hiểu sâu hơn về khắc kỷ tôi dần nhận ra tầm quan trọng của việc có một triết lý sống. Đây thực sự là những gì mà chủ nghĩa khắc kỷ hướng tới – thiết lập cách để sống một cuộc sống tốt đẹp.
Tuy nhiên, có một điều mà chủ nghĩa khắc kỷ đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Tôi cho rằng nó thay đổi đáng kể tư duy của tôi cũng như thay đổi mối quan hệ của tôi với chứng rối loạn lo âu một cách tích cực. Nó là khái niệm về sự khó chịu tự nguyện. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ sẽ chủ động đặt mình trong nghịch cảnh để chuẩn bị cho những nghịch cảnh khác ở tương lai. Nhà triết học khắc kỷ Musonius Rufus đã tổng kết điều này một cách hoàn hảo:
“Chúng ta sẽ rèn luyện cả tâm hồn và thể xác khi chúng ta làm quen với cái lạnh, cái nóng, đói khát, khan hiếm thức ăn và giường cứng, kiêng cữ các thú vui và chịu đựng những cơn đau.”
Vì một số lý do, tôi thật sự cảm thấy sự kết nối giữa bản thân với ý niệm này. Tôi biết rằng, đến phòng tập thể dục sẽ giúp tăng cường thể chất nhưng tôi chưa từng nghĩ đến việc xây dựng một tâm hồn mạnh mẽ và kiên cường. Có nhiều cách để thực hiện chủ nghĩa khắc kỷ. Chúng truyền cảm hứng cho tôi và tôi bắt đầu nghĩ cách để tạo ra một chương trình đào tạo riêng cho tâm trí của mình. Tôi có rất nhiều câu hỏi về khái niệm này trong lần đầu tiên đọc được nó: Dựa trên ý tưởng và tình huống nào để tôi có thể rèn luyện tính kiên cường? Điều này có giúp tôi giải quyết chứng rối loạn lo âu của mình không? Liệu một thứ phản trực giác như thế này có thật sự hiệu quả? Tôi bắt đầu bận rộn viết nên một danh sách những thử thách cá nhân để có thể kiểm tra về lối sống “khó chịu tự nguyện”.
Cuối cùng tôi lấy hết can đảm để thử và bắt đầu thực hiện thử thách để “rèn luyện bản thân” giống như những nhà khắc kỷ. Càng hoàn thành những thử thách này tôi càng trở nên tự tin hơn. Tôi có thể cảm nhận được tâm trí tôi đang thay đổi và đây là tín hiệu đáng mừng. Khi tôi không còn bị vây lấy bởi những cơn hoảng loạn tôi biết rằng lối sống này thật sự có giá trị. Tôi chú tâm vào nó và dốc toàn tâm toàn lực vào tư duy về thực hành chủ nghĩa khắc kỷ.
Những thử thách tôi tạo ra cho bản thân
Một số thử thách của tôi được lấy trực tiếp từ trường phái khắc kỷ trong khi một số khác thì được lấy cảm hứng từ nó. Phần lớn thử thách dựa trên các yếu tố cá nhân để tôi tập làm quen với sự khó chịu và rời khỏi vùng an toàn của minh. Chúng bắt đầu từ những việc nhỏ (vì tôi đã rất lo lắng lúc mới bắt đầu), tuy nhiên, theo thời gian, tôi bắt đầu làm những việc lớn hơn và táo bạo hơn. Dưới đây là vài ví dụ:
Để thúc đẩy cơ thể, tôi đã thử chạy marathon lần đầu trong đời, leo núi và đi bộ đường dài. Tôi thử thách bản thân trong phòng tập theo nhiều cách khác nhau, hoàn thành ba môn phối hợp và thử những môn thể thao mới lạ. Trong lúc cố gắng bức phá giới hạn thể chất tôi đã học được nhiều hơn về tâm trí của mình cũng như cách nó phản ứng với sự kiệt sức. Tôi đã gặp khá nhiều vấn đề liên quan đến cơ thể khi tham gia những thử thách này và học được cách thực hiện chúng một cách bài bản.
Để thúc đẩy tâm trí, tôi thử thách bản thân trước phơi mình trước cái lạnh bằng cách tắm nước lạnh và bơi ở biển nước Anh vào mùa đông. Tôi ngủ ở những nơi bất thường, đi châm cứu để đối mặt với chứng sợ kim tiêm, nhịn ăn và học cách thiền. Tôi cũng ăn những thực phẩm lạ và đứng xếp hàng chỉ để kiểm tra cách nghĩ của mình. Tôi bắt đầu mặc quần áo không phù hợp với thời tiết và thỉnh thoảng mặc trang phục lố lăng (tôi là người hướng nội nên điều này rất khó với tôi). Đây là một thử thách mà nhà triết học khắc kỷ Cato thực hiện để làm quen với sự xấu hổ. Khi bạn bè cười nhạo ông ấy, ông ấy sẽ tập trung vào cách ông phản ứng với những cảm xúc này và coi đây như một bài kiểm tra tính cách.
Để tiếp tục thử thách tâm trí, tôi bắt đầu học các kỹ năng mới và chú ý đến tâm trí của mình trong quá trình này. Thật thú vị khi khám phá ra mối quan hệ của tôi với những muộn phiền mà tôi gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Tôi bắt đầu học tiếng Nhật và giờ đây có thể giao tiếp ở mức khá. Tôi học được cách giải Rubik trong vòng chưa đầy một phút, gấp origami phức tạp, tung hứng và bẻ khóa.
Những thử thách này ép tôi rời vùng an toàn của mình theo nhiều cách khác nhau và giúp tôi thử nghiệm những ý tưởng mới trong điều kiện tôi có thể kiểm soát tương đối. Chúng đã dạy tôi rất nhiều về bản thân và cách tôi đối mặt với khó khăn. Khi chạy marathon được 22 dặm tâm trí tôi bắt đầu cầu xin tôi dừng lại. Đây là thời điểm tuyệt vời để vận dụng chủ nghĩa khắc kỷ. Ngâm mình trong bồn tắm lạnh buốt là cơ hội hoàn hảo để quen dần với sự khó chịu. Học một kỹ năng mới, chấp nhận thất vọng và cổ vũ bản thân thực hiện nhiệm vụ khó khăn hơn đều là những cơ hội tuyệt vời để thấu hiểu tâm trí của mình. Trường phái triết học này giúp tôi đối mặt với khó khăn và mang đến cho chúng một ý nghĩa cao quý hơn. Khi tôi xem mọi thứ xung quanh như một hình thức để “rèn luyện trí óc”, nó giúp tôi định lượng giá trị cho mọi thử thách tôi đã hoàn thành. Cuối cùng, điều này dần ảnh hưởng sang những lĩnh vực khác trong cuộc sống của tôi và tôi xem những vấn đề hàng ngày như cơ hội để rèn luyện chính mình. Giao thông: bài kiểm tra hoàn hảo về sự kiên nhẫn. Ai đó thô lỗ với tôi: thử nghiệm hoàn hảo để đo lường và kiểm soát hành vi. Có rất nhiều ví dụ khác cho việc này và đây là cách tuyệt vời để tôi xử lý các tình huống khó khăn. Không phải lúc nào tôi cũng vượt qua nhưng việc xem chúng như bài kiểm tra giúp tôi học hỏi được từ những vấn đề trong cuộc sống.
Kết luận
Kể từ khi tìm hiểu về sự khó chịu tự nguyện tôi đã tham gia vô số cuộc phiêu lưu và làm được những điều mà tôi chưa từng nghĩ rằng mình có thể làm được. Có thể nói rằng cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều kể từ khi khám phá ra sức mạnh của khắc kỷ. Rằng, ta có thể chuẩn bị trước cho nghịch cảnh bằng cách tập đương đầu với nghịch cảnh. Bây giờ tôi đã kiểm soát được chứng rối loạn lo âu của mình và không còn là một người dễ hoảng loạn như trước đây nữa.
Mặc dù tôi cảm thấy biết ơn vì đã biết đến trường phái triết học này, tôi không dám nói rằng tôi đã sẵn sàng cho mọi thứ có thể diễn ra. Không dám! Đó là tự cao quá mức. Điều tôi muốn nói là tôi đã chuẩn bị tốt hơn trước đây. Tôi không hoàn hảo (còn lâu mới được như thế), nhưng tôi đang nỗ lực để hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Tôi cảm thấy tự tin hơn trong việc xử lý những biến cố đột xuất của cuộc đời so với trước đây. Một vài năm trước tôi còn không thể đi đến băng ghế trong công viên mà không cảm thấy lo lắng. Giờ đây tôi chủ động tìm đến những tình huống khó khăn và đáng sợ. Đây là một sự tiến bộ vô cùng đáng kể với tôi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thứ cần cải thiện và tôi rất hào hứng xem mình có thể làm được những gì. Tôi sẽ liên tục ép bản thân rời khỏi vùng an toàn và vận dụng chủ nghĩa khắc kỷ.
Tôi tin rằng bước ra khỏi vùng an toàn là một cách tuyệt vời để xây dựng khả năng phục hồi về mặt tinh thần và tôi khuyến khích bạn thử làm điều đó. Sao lại không thực hiện một số thử thách vốn khiến bạn sợ hãi và buộc bạn tiếp xúc với những điều chưa biết? Bằng cách đó bạn có thể kiểm tra triết lý cá nhân của mình. Như Epictetus (triết gia khắc kỷ nổi tiếng) nói:
“Đừng giải thích triết lý của bạn. Hãy hóa thành nó.”
<Sưu tầm: Vy Vũ| The Art of Manliness>