9/22/18

TRUNG THU XƯA...

Có lẽ đã từ lâu lắm rồi Trung thu trong tôi chỉ còn là hoài niệm. Cái hoài niệm xưa cũ về ký ức tuổi thơ.

Tôi vẫn nhớ như in những ngày ấy, nơi con phố nhỏ tôi lớn lên, cái ngày Tết thiếu nhi thuở đó không được đầy đủ phồn hoa như bây giờ. Chắc hẳn ai cũng nhớ cái không khí háo hức của đám trẻ con chờ đợi được đi rước đèn và phá cỗ Trung thu, những mâm cỗ nhỏ với một vài quả đơn sơ cùng chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, bánh hình cá chép... Đứa nào nhà có điều kiện thì sắm được chiếc đèn giấy bóng xanh đỏ, còn thì cắt hộp bột giặt Daiso, ống bơ, dùng que nhọn dùi vài lỗ li ti để thoát ánh sáng, thêm một cành cây và một sợi dây treo, thế là thành chiếc đèn, thêm 1 vài chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới... có vẻ đơn giản nhưng như vậy cũng đủ vui Trung thu rồi.

Có năm vào đúng trận bão lớn, không thể rước đèn đúng ngày Trung thu, sau bao ngày háo hức, một cảm giác thật nuối tiếc, mỗi năm chỉ có một lần mà.

***

Trẻ con thời nay thì khác, chúng cũng háo hức và mong muốn được vui Tết, nhưng cuộc sống bây giờ và lúc trước khác xa nhau quá. Trẻ con thời nay quen với việc được cha mẹ mua cho những món đồ chơi, những loại đèn lồng đủ màu sắc, kiểu dáng và chủng loại, Trung thu cũng không còn mong ngóng những chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm như chúng tôi thời xưa nữa; những chiếc bánh truyền thống cũng dần được thay thế bằng những loại bánh hiện đại, nhiều hãng nhiều vị, cũng ngon nhưng sao cứ thấy thiếu thiếu vị gì?

Cảnh rước đèn dưới trăng, có trăng, sao, lùa theo đom đóm và những đứa trẻ vô tư vui đùa, đợi đến ngày trăng tròn nhất, trăng hiện rõ và chiếu sáng, lúc đó mới cảm nhận được rõ không khí của Tết. Bây giờ thì muốn được ngắm trăng đâu phải dễ, những tòa nhà cao tầng, đèn đường cao áp và khói bụi Thành phố dường như đã chiếm đi hết ánh sáng mơ hồ và ảo mộng của trăng rằm.

***

Trẻ con là vậy, người lớn cũng "nhân dịp" này để mang những hộp bánh, gói quà đắt tiền biếu xén và tặng cho nhau. Người tặng cho ông bà, cha mẹ, người thân, người họ yêu quý; Người đi tặng để cảm ơn; Người đi tặng sếp; Người đi tặng "cấp trên"; Người nhân dịp đi tặng để nhờ vả; Người thì không hẳn để xin xỏ, nhờ vả, hay là quý nhau, vì hầu hết mọi người đều tặng, mình cũng phải tặng không thì khác thằng khác, lạc loài thì chết...
...

Chúng ta cũng tìm đến những con phố tập nập và hòa mình vào cùng dòng người đông đúc, chúng ta dễ dàng chụp được những bức hình đẹp bằng smartphone và máy ảnh để lưu giữ lại những kỷ niệm... nhưng cũng chợt quên chóng vánh.

Trung thu thưở xưa chúng ta đâu có smartphone, chỉ có cảm nhận, những thứ đơn sơ và sự háo hức, sao những hoài niệm ta lại lưu giữ lâu đến vậy?

<Duy Thanh>

 

9/10/18

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...

Cách đây nhiều năm, khi còn là sinh viên đại học Xây dựng, mỗi lần đi qua quán cafe hoặc qua một phòng trọ cấp 4 nhỏ ở dãy nhà trọ nơi tôi từng ở, có thi thoảng nghe thấy những bài hát của Trịnh Công Sơn vang lên, tôi thầm nghĩ "sao họ lại thích được cái dòng nhạc này nhỉ???". ^^


***

Càng lớn, càng biết thêm nhiều điều, càng trải nghiệm qua những con đường gọi là "Đường đời" , tôi lại càng thích nhiều những bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có lẽ rằng, ta phải trải qua, ta phải mất mát, ta phải đau, thì ta mới nhận ra những giá trị, những bài học, những góc nhìn nào đó là đúng đắn, điều mà chúng ta chưa thể nhận ra nếu chưa trải qua nó.

***

Tôi thấy lo lắng cho nhiều bạn trẻ, các bạn cũng giống như tôi ở những năm trước kia, chúng ta tự "thu hẹp góc nhìn" của chúng ta vào những điều nhỏ bé, những định kiến mà chúng ta được học, được truyền đạt vào cuộc sống, chúng ta vội vàng nhận định thế giới, đánh giá, phán xét một sự việc, một con người nào đó qua những kiến thức hạn hẹp chủ quan được định hình chưa đầy đủ từ nhận thức và niềm tin cố hữu.

Tôi đã từng nghe đâu đó rằng: "Chúng ta đều là những con ếch, có chăng chỉ khác nhau cái giếng!". Sự học không bao giờ là kết thúc, ở đây tôi không nói là chỉ học ở trường lớp, học trên giảng đường, sự học ở đây ở khắp mọi nơi, ở khắp mọi quãng thời gian, ở khắp mọi môi trường mà bạn trải qua, ở bất kỳ một con người nào, từ người giàu, người nghèo, người bán trà đá vỉa hè, người đánh giày, người lãnh đạo, người kinh doanh, hay bất kỳ diễn biến nào ngoài xã hội kia đều có thứ gì đó cho bạn học hỏi, nếu bạn chịu khó quan sát và lắng nghe, và xin hãy lắng nghe một cách chân thành.

Nếu cứ giữ khư khư tư duy cố hữu bạn sẽ không thấy có gì để mình phải học hỏi, khi nào bạn sẵn sàng đặt bình nước ở dưới để hứng nước, bạn sẵn sàng với tư duy cởi mở, lắng nghe, lúc đó bạn sẽ học hỏi được thêm những điều mà bạn không tưởng đâu, tin tôi đi... à mà đừng tin, hãy tự trải nghiệm đi!

***

Hy vọng những chia sẻ mang lại một góc nhìn mới cho bạn. Hãy chia sẻ góc nhìn của bạn ở dưới comment này nhé. Và tôi luôn ở đây để lắng nghe bạn!
Đêm khuya rồi, xin tặng bạn một bài hát mà tôi thích của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

*
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, 

Để làm gì em biết không? 

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi... 


Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông, 

Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông, 

Ôi trái tim đang bay theo thời gian, 

Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian. 


Những khi chiều tới cần có một tiếng cười, 

Để ngậm ngùi theo lá bay, 

Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi... 


Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình, 

Chỉ lặng nhìn không nói năng. 

Để buốt trái tim, để buốt trái tim... 


Trong trái tim con chim đau nằm yên, 

Ngủ dài lâu mang theo vết thương sầu. 

Một sớm mai chim bay đi triền miên, 

Và tiếng hót tan trong trời gió lên. 


Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người, 

Còn cuộc đời ta cứ vui, 

Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai... 


Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, 

Để làm gì em biết không? 

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi,...
*
<Duy Thanh>