7/31/21

HẠNH PHÚC VÀ VĂN MINH TIẾN BỘ

Trích cuốn "MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG" - tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Đích đến của tất thảy mọi người trên cuộc đời này là sống sao cho thật hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc mà chúng ta vẫn thường thấy là gì?
 
Văn minh tiến bộ ngày nay lấy sự so đo hơn kém làm mục đích. Tiến bộ theo phần đông là hơn người, hơn của cải vật chất, hơn địa vị xã hội, hơn
học thức... vậy cho nên chỉ có kẻ nào, đất nước dân tộc nào dục vọng càng cao, thì càng được coi là tiến bộ.
 
Trong cái xã hội tôn thờ "văn minh tiến bộ" thì những chữ nhân nghĩa toàn là giả dối. Kẻ mạnh hiếp yếu thì dùng nhân nghĩa bêu lên làm bình phong để che giấu dã tâm mình. Kẻ bị đè đầu cưỡi cổ thì kêu gào nhân nghĩa để được người ta thương hại mà nới tay... đợi một ngày kia quật khởi thì sẽ đè đầu cưỡi cổ lại. Tựu trung chỉ là một trò tuồng, trong đó lấy sự hơn kém nhau về thế lực bên ngoài làm mục tiêu tranh đấu.
 
Thấy kẻ hơn mình mà quý trọng, đó là mối loạn đã gieo vào lòng người rồi.
Chúng ta tưởng rằng những gì mình làm là cao thượng là nhân nghĩa? Hãy cứ soi xét lại cho thật kỹ, xét cho cùng phần lớn cũng chỉ vì lợi ích bản thân, vì mong muốn cảm thấy mình hơn người khác ở khía cạnh nào đó. Và cái thứ nhân nghĩa ấy đúng thật chỉ là giả tạo mà thôi. Lão Tử có nói để dân không loạn thì đừng trọng vật chất, đừng khen người tài.
 
Cái mà chúng ta tưởng là hạnh phúc đây, thực chất chỉ là cảm giác sung sướng nhất thời. Người giàu có hạnh phúc vì thấy những người nghèo khó đang khát khao số tài sản to lớn của mình, người ngồi trên xe ô tô cảm thấy hạnh phúc vì thấy có người đang đi xe máy thèm khát cái ô tô mình sở hữu, người học vấn cao sung sướng hãnh diện vì có những kẻ khác tôn sùng và ngưỡng mộ khối kiến thức đồ sộ mà mình có. Giả sử như thế gian này ai cũng giàu, ai cũng có ô tô, của quý, ai cũng học vấn cao thì liệu cái sướng đó của mình có còn tồn tại không? Vậy nên mới nói cái hạnh phúc mà ta đang thấy đây đơn giản đến từ sự thèm khát của người khác. Cho nên hạnh phúc thực sự là khi nào ta cảm thấy vui, đơn giản vì tự thân ta cảm thấy thế, không phải vì mình đang hơn người khác ở cái gì.
 
Tuy nhiên có người sẽ nói phú quý tuy là cái mồi, nhưng nếu không có cái mồi ấy thì làm sao dụ con người ta phát triển, đi lên đến văn minh tiến bộ. Vậy sao không biết hỏi lại cái văn minh tiến bộ ấy đã đưa con người ta đến hạnh phúc chưa? Khoa học ngày nay đã cung phụng đủ mọi tiện nghi khoái lạc của con người, nhưng hạnh phúc vẫn chẳng thấy đâu, thay vào đó là sự trầm cảm, căm thù, chiến tranh, thù địch liên miên. Cái bẫy lấy sự hơn kém làm hạnh phúc bản thân tạo ra sự phá hoại liên tiếp không ngừng và chắc chắn là không bao giờ có điểm đích bởi một lý do đơn giản, nếu không biết kiểm soát thì tham vọng của con người là vô hạn.
 

7/12/21

BA LỜI KHUYÊN CỦA PHƯỢNG HOÀNG

Có một vị cư sĩ nọ đi ngang qua khu rừng thiêng, ông bắt gặp một con phượng hoàng đang bị mắc bẫy. Ông nghĩ: “Con chim đẹp quá, hay ta bắt nó đem về nuôi, khách đến thăm tệ xá trông thấy sẽ thích lắm”.


Bỗng ông nghe có tiếng nói vọng lại:
– Ông không nên nghĩ như vậy!
Vị cư sĩ lấy làm lạ, nhìn chung quanh không thấy ai, quanh đi quẩn lại chỉ có mình và con chim đang bị mắc bẫy kia. Ông bèn hỏi:
– Có phải là mi vừa nói đó không?
Phượng hoàng đáp:
– Vâng đúng là tôi đây! Tôi không phải là con chim bình thường, tôi có thể nói tiếng người và tôi là một nhà thông thái. Nếu ông thả tôi ra, tôi sẽ tặng ông ba lời khuyên tốt nhất.
Vị cư sĩ nói:
– Được, ta sẽ thả tự do cho mi. Nhưng hãy nói cho ta biết ba lời khuyên đó là gì?
Phượng hoàng nói:
– Lời khuyên thứ nhất: Đừng bao giờ tin theo những lời nói sai trái bất kể người đó là ai, cho dù có danh tiếng hay địa vị cao đến mấy đi chăng nữa.
– Lời khuyên thứ hai: Đừng cố làm những việc quá sức mình, sẽ chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi. Vì thế, trước khi làm gì hãy lựa sức mình mà làm. “Người biết được sức mình là người thông thái. Người muốn vượt quá sức mình là một kẻ ngu ngốc”.
– Lời khuyên thứ ba: Nếu làm việc thiện thì không nên hối tiếc, nếu làm việc xấu thì phải biết hối cải.


Vị cư sĩ nghe xong, thấy phượng hoàng khuyên phải lắm, những lời khuyên thật sâu sắc và rất có ý nghĩa, có thể làm thay đổi cả cuộc đời của một con người. Ông bèn gỡ bỏ cạm bẫy cho phượng hoàng. Vừa thoát ra khỏi cạm bẫy, phượng hoàng liền vỗ cánh bay lên đậu tít trên cành cao mà cười nhạo vị cư sĩ nọ:
– Ha ha ha…Cư sĩ kia, ông thật là ngốc nghếch!
Vị cư sĩ đáp lại:
– Này phượng hoàng! Sao mi lại bảo ta ngốc?
Phượng hoàng đáp:
– Trong bụng ta có một viên tiên đơn, nếu ông bắt ta và mổ bụng ta thì ông sẽ có được nó. Ông sẽ sớm tu luyện thành chính quả.
Vị cư sĩ lấy làm hối tiếc vì đã thả cho phượng hoàng đi…Ông bèn leo lên cây toan bắt phượng hoàng lại, nhưng ông càng trèo lên cành cao thì phượng hoàng lại nhảy lên một cành cao hơn, cho tới khi ông trèo lên đến ngọn cây thì phượng hoàng liền vỗ cánh bay vút lên không trung. Vị cư sĩ thất vọng đành phải tụt xuống, nhưng chẳng may ngã từ trên cây xuống khiến ông bị gãy một chân, chảy cả máu đầu…
Phượng hoàng lượn một vòng trên cao rồi lại đậu xuống một cành cây gần đó nói vọng tới:
– Ông đúng thực là ngốc, trong bụng ta làm gì có tiên đơn kia chứ! Ông đã tin vào một lời sai trái rồi. Ông lại còn liều lĩnh leo lên ngọn cây cao mà bắt ta, làm sao mà ông bắt được ta? Ông hối hận vì đã thả cho ta đi. Tại sao ông lại phải hối tiếc vì đã làm một việc tốt và thiện lương như thế? Ông hãy đi về, tĩnh tâm lại mà suy nghĩ cho kĩ về những lời khuyên của ta!
Nói rồi phượng hoàng vỗ cánh bay đi…Vị cư sĩ tỉnh ngộ!


Có câu nói: “Học bất học” (Học mà không học – không học mà học). Có học thì phải có hành, học mà không hành được thì chẳng phải học cũng như không ư? Ở đời, có nhiều người khi nghe những điều có đạo lý thì thấy hay lắm, phải lắm, ấy vậy mà lại không thể theo đó mà làm cho được. Mới hay, nói thì dễ mà làm được thực là khó. Ví như vị cư sĩ nọ, mới nghe được lời khuyên của phượng hoàng thì khen là phải lắm, ấy thế mà quay đi trong tích tắc đã té ngã rồi.


<Sưu tầm>