Trong cuốn sách "Tại sao Đạo Phật luôn đúng" của Robert Wright có một thí nghiệm như sau:
"Người ta đem nhốt một con khỉ vào trong một chiếc lồng, bên trong lồng có một chiếc đèn. Mỗi khi chiếc đèn này sáng lên con khỉ sẽ được cho uống một cốc nước ép, mỗi khi uống cốc nước ép thì não bộ của con khỉ tiết ra rất nhiều Dopamine khiến nó vô cùng thích thú và sung sướng. Chẳng mấy chốc, con khỉ dần nắm ra được quy luật này. Nhưng càng về sau, mỗi khi đèn sáng lên thì lập tức Dopamine tiết ra rất nhiều, còn khi uống nước ép thì lượng Dopamine trong não con khỉ chẳng có gì thay đổi cả.
Hóa ra nguồn vui của con khỉ là thời điểm nó mong nhận được cốc nước ép, chứ không phải bản thân của cốc nước ép đó."
Một ví dụ khác: giả sử chúng ta chưa bao giờ được ăn bánh Tiramisu, lần đầu tiên được ăn chúng ta cảm thấy: "ôi thật tuyệt vời, chiếc bánh này ngon xịn mịn quá...". Não bộ của chúng ta tiết ra rất nhiều Dopamine, đỉnh điểm là khi chúng ta cầm chiếc bánh trên tay và chuẩn bị cắn miếng đầu tiên, còn sau khi đã ăn, cảm giác thích thú, khoan khoái này giảm đi nhanh chóng.
Hay cảm giác hồi bé hồi hộp mong ngóng đến tết, nhưng ngay khi qua đêm giao thừa thì cảm giác thích thú dần dần vơi bớt.
Mua cái điện thoại mới, nhưng vài hôm là hết thích.
Mua cái oto mới, tháng sau là chán.
Làm cái nhà to nhất xóm, nhưng rồi cũng vẫn không hài lòng.
Đó cũng là trạng thái của trẻ con rất háo hức khi đòi mua đồ chơi, nhưng khi mua về đến nhà, vài hôm là chán ngay.
...
Hóa ra mọi thứ chúng ta luôn nhìn thấy và nhận thức đều là VÔ MINH... cốc nước ép hay bánh kem chỉ là phần nổi của tảng băng chìm (sự nhầm lẫn cho rằng Cốc nước ép hoặc Bánh kem là điều cần đạt được để có hạnh phúc). Chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta sống được tự do lựa chọn, tự mình nhận thức, nhưng thực ra chúng ta đang bị guồng quay của dục vọng bản ngã và sự khao khát thỏa mãn, điều khiển và nhấn chìm. Chúng ta sẽ không ngừng theo đuổi sự thỏa mãn tiếp theo: Một lần mua sắm tiếp theo, chiếc điện thoại mới tiếp theo, chiếc xe mới tiếp theo, ngôi nhà to hơn ngôi nhà cũ, chức vụ thăng tiến hơn nữa...
Có những người sau khi đã đạt được địa vị mong muốn, áp lực đầy mình nhưng họ vẫn không ngừng mong muốn và tranh đấu để có địa vị cao hơn nữa. Có những người mua sắm không giới hạn, trong nhà đầy những đồ không bao giờ dùng tới, nhưng họ vẫn tiếp tục mua sắm không bao giờ ngừng.
Chúng ta luôn cố gắng theo đuổi sự mãn nguyện, khi đã đạt được rồi thì cơn khoái cảm Dopamine nhanh chóng mất dần, và chúng ta lại tiếp tục khao khát thứ khác nhiều hơn nữa... đây chính là sự nhầm lẫn tai hại (vô minh), là nguồn cơn dẫn đến những đau khổ, bất hạnh trong cuộc đời... mà Đạo Phật gọi là "Biển khổ vô biên hay Đời là bể khổ". Kinh Phật tiếng việt ngày nay được dịch ra từ Kinh Phật tiếng Pali cổ, trong tiếng Pali "Khổ" có nghĩa là "Trạng thái khó kham nhẫn chịu đựng" hay còn gọi là "sự không hài lòng"...
Chẳng thế mà Phật Thích ca mới chỉ cho chúng sinh rằng: "Biết đủ là đủ"... chúng ta cho rằng hạnh phúc đi đôi với tiền bạc, tài sản, hay danh vọng địa vị, hay sự thỏa mãn khao khát... nhưng thực chất đây chỉ là "sự hạnh phúc ngắn ngủi". Nếu chiếc iphone 12 từng là niềm vui, và đem đến cho bạn sự hạnh phúc, thì tại sao bạn lại phải mua chiếc iphone 13? Và thực tế là con số này sẽ dường như không có điểm dừng? Vậy hạnh phúc thực sự là gì, có phải là sự thỏa mãn tức thời giả tạm, hay là sự trải nghiệm cuộc sống trên từng phút giây, trên từng hành trình, chúng ta có thể tìm nó qua nhiều cách thức: như Thiền, thực hành Chánh niệm mỗi ngày, đi tìm IKIGAI của người Nhật, tìm được trạng thái Flow trong cuộc sống đời thường, hay rèn luyện một môn phái nào đó...?
Nếu hạnh phúc thì rửa bát quét nhà, đi bộ, hít thở, ăn rau cũng thấy hạnh phúc... còn nếu không, dù có ăn cao lương mỹ vị, sở hữu tài sản kếch xù, đi siêu xe, làm ông Hoàng, bà Hậu... vẫn thấy khổ... Hạnh phúc thực phải tự chúng ta đi tìm, không một ai có thể nói cho chúng ta hiểu được về hạnh phúc hay sự giải thoát, nếu chúng ta không tự mình nếm, tự mình chứng ngộ.
Tôi chợt nhớ tới câu nói của nhân vật Morpheus nói với Neo trong một bộ phim cực hay - The Matrix (Ma trận): "Tôi chỉ có thể chỉ cho anh cánh cửa ở đâu, nhưng chính anh mới là người vượt qua nó."
<Duy Thanh>