12/22/22

ĐẤT ĐAI VÀ NHÀ Ở

ĐẤT ĐAI VÀ NHÀ Ở

.

Có nhiều quan điểm tranh luận xung quanh: "An cư - Lạc nghiệp". Nhiều người cho rằng phải sở hữu Đất đai, Nhà cửa... để có nơi ở ổn định, để có tài sản để dành, để có di sản để lại cho con cháu... Nhiều người lại cho rằng, không cần phải có một nơi ở cố định, có thể ở nay đây mai đó, có thể ở nhà thuê, hoặc mua bán thay đổi chỗ ở liên tục... Thông thường chúng ta hay quen với việc đưa ra góc nhìn, hoàn cảnh riêng của bản thân mình để áp lên thành một nhận định chung cho tất cả... An cư - Lạc nghiệp cũng sẽ được phân định và hiểu bằng vô vàn các góc nhìn, định nghĩa dựa trên thiên kiến cá nhân được hình thành trong chuỗi đời sống của từng người...

Tạm quên đi cái nghĩa từ ngữ, quên đi những luận điểm được cho là đúng đắn của mỗi bên tranh luận... 

Tìm về nguồn cội của loài người từ thời kỳ đồ đá, theo cuốn "Sapiens Lược sử loài người", trải qua các cuộc tiến hóa phát triển, qua 2 cuộc cách mạng nhận thức và cách mạng nông nghiệp... con người thể hiện mình là giống loài sống theo cộng đồng, bầy đàn với những nhóm xã hội, nhưng trong những cộng đồng đó họ cũng cần những không gian riêng tư, những không gian mang đậm bản sắc dấu ấn cá tính riêng của họ như một tập tính đánh dấu lãnh thổ - một nơi họ được "toàn quyền", được sống được suy tư để phát triển nhận thức...

.

Ở vĩ mô, có biên giới phân chia các Quốc gia, có ranh giới đánh dấu Chủ quyền. Ở vi mô có ranh giới giữa 2 nhà hàng xóm... Ông nào thò túi rác, cái xô cái chậu đặt chệch vài milimet sang nhà ông bên cạnh cái là xù lông biết mặt nhau ngay... Chúng ta có thể bảo ông này ích kỷ, bà kia xấu tính, nhưng thực chất trong GEN của tất cả chúng ta đều có tập tính này - 1 tập tính đánh dấu Lãnh thổ, 1 sự đòi hỏi KHÔNG GIAN RIÊNG trong bản năng mỗi con người. 

Trên thế giới có một thuật ngữ là "SPATIAL JUSTICE" - gọi nôm na là sự Công bằng Không gian (search wiki)... Không phải chỉ có Nhân quyền, hay công bằng xã hội, công bằng giàu nghèo... Không gian sống, không gian làm việc, không gian công cộng, không gian giao thông cũng cần phải có TRIẾT HỌC về sự công bằng của nó. Nếu không có sự cân bằng này, những không gian của đa số người sẽ phải quyết định bằng một vài suy nghĩ thiên kiến của một vài cá nhân. 

Kiến ​​trúc sư và Nhà đô thị học Liz Ogbu lập luận rằng quy hoạch công bằng không gian thành công, đòi hỏi các nhà thiết kế phải "thu hút những người không có chỗ ngồi trong bàn (những người yếu thế, ít tiếng nói) và coi họ là những người đồng thiết kế trong quá trình này".

KHÔNG GIAN RIÊNG TRONG THIẾT KẾ NHÀ Ở

Việc An cư này nó không nằm trong con chữ, bản chất của An cư là chúng ta mưu cầu một sự an toàn, đảm bảo và có tính chất riêng tư về không gian. Bạn có thể mua Nhà đất riêng, mua căn hộ chung cư, thuê nhà dài hạn, ngắn hạn... để ở, dù bất cứ là hình thức nào... thì thực chất tất cả những hành động đó đều xoay quanh việc đảm bảo cho bạn một CẢM GIÁC VỀ KHÔNG GIAN AN TOÀN VÀ RIÊNG TƯ. Ở nơi đó bạn được trú ngụ, ở nơi đó bạn được ấm áp, mát mẻ, ở nơi đó bạn có gia đình, ở nơi đó bạn được đảm bảo an ninh, ở nơi đó có những không gian chung và riêng cho mỗi thành viên... 

Không gian riêng tư đối với mỗi cá thể lại không giống nhau. Lấy ví dụ của việc đi uống cafe đi, có người thì thích ngồi trong phòng máy lạnh, có người thích ngồi chỗ nhiều cây cối khí trời, có người thích ngồi tại nơi đông đúc náo nhiệt, có người thích ngồi nơi yên tĩnh... Có người thích ngồi tại cái bàn giữa nhà, cũng có người thích ngồi ở một góc... Những không gian của từng cá thể rất khác nhau, tại sao người thì thích chỗ này mà không thích chỗ kia? Bởi vì chỗ mà họ thích mang lại cho họ MỘT CẢM GIÁC PHÙ HỢP VỀ KHÔNG GIAN, ở không gian riêng của họ, họ được thoải mái với con người mình, thoải mái với việc mình làm, những suy tư và nhận thức của họ cũng sẽ được phát triển tốt hơn.

Một khu chung cư sẽ có diện tích chung, diện tích riêng... những quy chế về việc sử dụng chung riêng của mỗi một nơi một khác... Tuy nhiên nếu phần diện tích riêng (căn hộ của bạn), bị can thiệp quá nhiều bởi quy chế quy định hà khắc, chắc hẳn bạn sẽ không thể thoải mái để sinh sống được rồi.

Một văn phòng làm việc cũng vậy... Để có thể tư duy, sáng tạo, làm việc năng suất... ngoài các yếu tố về chuyên môn kỹ năng.... Càng giám sát chặt chẽ, càng cứng nhắc... càng làm nhân sự chán, và kém năng suất. Bạn có thấy ngồi chỗ mình thích, làm việc hiệu quả, tư duy sáng tạo hơn không??? Nhưng rất tiếc, ít người Doanh Chủ nhận ra việc này... Đa phần sự bố trí chỗ ngồi là QUYỀN của ông Giám đốc. Họ không để ý tới sự ảnh hưởng tới công việc của không gian chỗ ngồi, cứ nhìn khao khát của nhân sự được thể hiện bằng sự cá nhân hóa vị trí là thấy rõ, có người đặt chậu cây, có người đặt bể cá, có người màu hồng, có người màu xanh...v..v...

Đến quy mô một căn nhà. Rất nhiều thành viên cùng ở trong một căn nhà, tuy nhiên phần lớn việc làm nên căn nhà thế nào thường do ÔNG BỐ quyết, nhà nào bà mẹ đầu gấu hơn thì BÀ MẸ quyết, mà cả 2 ông bố bà mẹ đều đầu gấu, thì căn nhà thành nồi lẩu thập cẩm... Kể cả khi có sự ngồi xuống bàn bạc của cả nhà thì dường như vẫn không thể có một phương án đưa ra mà tất cả đều hài lòng, đa số các trường hợp là ĐỒNG Ý nhưng KHÔNG ĐỒNG TÌNH... bởi vì sự lấn át của vật chất, tiền bạc, hoặc luân lý xã hội (cha mẹ nói con cái phải nghe, có tiền là có tiếng nói...)... Nhiều gia đình, còn bắt kê bàn học của con cái ngồi ngay đằng trước chiếc salong của họ để dễ dàng giám sát, theo dõi... Những đứa trẻ ngột ngạt trong chính không gian của chúng, chúng dần mất cân bằng giữa không gian chung và riêng, khi ngôi nhà không còn không gian riêng, dễ thấy chúng sẽ phải tìm một không gian riêng cho mình ở một nơi khác. Một sự mâu thuẫn rất lớn của những ông bố, bà mẹ... vừa muốn con mình phát triển khỏe manh, thông minh, giỏi giang... nhưng mặt khác họ áp bức và không cho chúng những môi trường và không gian để phát triển điều đó.?. Rồi vô vàn những tranh cãi khác khi thiết kế một căn nhà, bếp to hay khách to, bếp kín hay bếp liên thông, thờ trên nóc hay thờ ở dưới, wc ở cầu thang hay ở cuối nhà, thế này đẹp hay thế kia đẹp, thế này sang hay thế kia sang, phong thủy thế này đúng thế kia sai...v..v...

Các Kiến trúc sư trên thị trường và trong các hội nhóm cũng không ngừng tranh cãi nhau liên miên về cái đẹp của người này, cái xấu của người kia... Người thì tôn thờ Chủ nghĩa Hình thức, người thì tôn thờ Chủ nghĩa Công năng, những người trong một chủ nghĩa cũng cãi nhau không ngừng... Những chủ nghĩa phong cách Kiến trúc này cũng liên tục thay thế nhau theo trục thời gian, có thời điểm thì người ta thích những Ngôi nhà nguy nga, trang nghiêm Cổ điển, với những tỷ lệ vàng... có thời điểm người ta thích những Ngôi nhà với công năng tối ưu phục vụ cho người ở với những đường nét phá cách hiện đại... Trong tiểu thuyết Suối Nguồn, bạn có thể thấy một Kiến trúc sư theo trường phái này. 

Họ liên tục cãi nhau về những cái bề nổi liên miên ngày này qua tháng nọ...

Nhiều người cũng lên án về sự sai lầm của Quy hoạch, của thể chế Quản lý... tạo ra những không gian gây mất cân bằng... Nhưng họ lại quên mất việc xem xét lại quy mô thu nhỏ hơn của việc Quy hoạch và Quản lý, là không gian ở của chính mình. Những thành viên trong gia đình đã có sự công bằng về KHÔNG GIAN CHUNG và KHÔNG GIAN RIÊNG để phát triển được lành mạnh hay chưa?

Khi bạn đến khám một bác sĩ, việc đầu tiên là bạn phải xác định bác sĩ ấy có khám chữa tốt cho cái bệnh mà bạn đang mắc hay không? Rồi vị bác sĩ tốt ấy sẽ trao đổi kỹ để nắm bắt được thông tin dữ liệu của bạn, rồi mới khám chẩn đoán, chụp chiếu... tất cả các dữ liệu sẽ giúp bác sĩ phát hiện được nguyên nhân bệnh chính xác nhất... Rồi đưa ra lộ trình chữa bệnh, phòng bệnh... Nếu bạn không tìm được bác sĩ tốt, bạn sẽ phải thử sai liên tục cho đến khi tìm được. Nếu bạn gặp bác sĩ lởm, hoặc bác sĩ chạy theo lợi nhuận, họ sẽ chỉ cho bạn những lời khuyên chung chung, những thang thuốc chung chung "bách bệnh", hời hợt qua loa, để nhanh nhanh đến lượt người khác, mà không quan tâm tìm hiểu kỹ những tình trạng của bạn. Nếu bạn gặp được bác sĩ tốt rồi thì hãy hợp tác, trao đổi chính xác để họ hiểu bạn, tìm được cách thức phù hợp cho bạn... tìm được bác sĩ rồi mà cứ yêu cầu họ phải cho bạn thuốc này, tiêm cho bạn thuốc nọ, như thể bạn là thầy thuốc chứ không phải họ, thì phí tiền phí thời giờ và vô nghĩa.

Khi tôi làm một Ngôi nhà cho khách hàng cũng vậy? Đã từ lâu tôi thôi cái việc phải làm cho thật nhiều khách hàng, tôi chỉ phục vụ cho NHỮNG AI PHÙ HỢP. 

Bạn muốn một Tổ ấm, nơi tất cả thành viên đều muốn trở về, nơi có cảm giác An toàn, thoải mái, con cái phát triển lành mạnh. Hay chỉ thích Chủ nghĩa Hình thức? Việc thích chủ nghĩa hình thức là điều dễ hiểu và tất nhiên, vậy nhưng Hình thức chỉ nên xếp sau KHÔNG GIAN, không gian thì phải phục vụ CON NGƯỜI. Lúc này người Kiến trúc sư, cần phải có cả hiểu biết về tổng quan Xã hội học, Tâm lý học, ở Việt Nam thì còn phải tường cả Phong thủy, Dịch lý, nếu không muốn đổ sông bể công sức sau khi Thầy Bà vào phán. Nếu không am hiểu, chí ít cũng phải có ê kíp, phối hợp được những chuyên gia về những lĩnh vực trên... Mới làm Ngôi nhà tốt được!

Nắm được cái cốt lõi cần làm, cần tạo dựng cho một căn nhà rồi, lúc đó thích đắp vẽ hình thức gì cũng được, tùy sở thích. Thiết kế nhà ngoài KHÔNG GIAN cũng cần chú ý đến THỜI GIAN, những phong cách mới, kiểu cách mới, nhu cầu mới liên tục thay đổi... cho phù hợp với những loại Vật liệu được cung cấp trên thị trường.

Hãy nghiệm lại mà xem, thời bao cấp ông bà thì chỉ cần Ăn no mặc ấm, có chỗ trú ngụ là được... Khi kinh tế thị trường, có của ăn của để thì phải Ăn ngon mặc đẹp, chỗ ở phải khang trang, nhiều tầng. Đến thời bây giờ, khi cuộc sống tiện nghi dần đầy đủ hơn, tầng lớp trung lưu nhiều hơn, thì phải ĂN SUNG MẶC SƯỚNG, ăn sạch, ở sạch, ở xanh, hưởng thụ... thể hiện đẳng cấp...thể hiện nhu cầu Tâm linh...

Những nhu cầu kia là tất yếu, không sai trật theo tháp Maslow mở rộng dưới đây. Nhưng thật nguy hại nếu cho rằng đó là tôn chỉ tối thượng, như cho rằng càng nhiều tiền càng Hạnh phúc vậy.


Cuộc đời mỗi con người như một cuộc hành trình vậy. Từ Bản năng (nhu cầu cơ bản), Bản ngã (nhu cầu chứng tỏ cái tôi), Siêu ngã (nhu cầu Tâm linh - Đức tin - Chỉ dẫn)... (học thuyết phân tâm học của Nhà tâm lý học Sigmund Freud) dù cuộc sống mỗi người một khác, hoàn cảnh, vật chất, địa vị, tầng lớp khác nhau... họ đều dần phải trải qua những quá trình này để hoàn thiện con người. Một không gian sống tốt, là một không gian hỗ trợ để họ có môi trường phát triển nhận thức lành mạnh.

Anh chị muốn trao đổi, tìm hiểu thêm về Kiến trúc, Thiết kế Nhà ở, Dịch lý, Phong cách làm việc của tôi xin mời ghé zalo: 


Anh chị CHƯA CÓ KHÔNG GIAN SỐNG của riêng mình, xin mời ghé nhóm: "Thông tin về Nhà ở Xã hội và Chung cư ở Hà Nội" - Tôi hướng dẫn cả đống cách để tự mua được Nhà Hà Nội kể cả Chung cư hay Nhà đất chỉ với 300 triệu đến 1 tỷ để anh chị lao động có QUYỀN được An cư như tất cả những người giàu có khác.

Anh chị nào ăn giò sạch thì ghé đây đặt mua: MUA GIÒ SẠCH

Cảm ơn anh chị đã ghé Blog chơi,

<Khương Thanh>

12/6/22

PHONG THỦY TRONG THIÊN - ĐỊA - NHÂN

 PHONG THỦY TRONG THIÊN - ĐỊA - NHÂN

.
Anh em làm nhà ít nhiều cũng sẽ quan tâm đến Phong thủy, tôi thấy chỉ một vài anh em làm nhà để đầu tư cho thuê là không quan tâm, còn lại đa phần đều có, ít hay nhiều thôi...
.
Tuy nhiên cái gì quá cũng không tốt. Ăn nhiều quá sinh béo, rượu nhiều quá thì say sinh bệnh, tiền nhiều quá thì sinh ra nhu cầu rồi sinh hư... sùng phong thủy một cách thái quá sinh ra loạn. Anh em cứ hình dung thử cái chén đựng nước trà, một chén chỉ có thể chứa được 1 lượng nước nhất định, nếu anh em cố rót thêm ắt nước trà sẽ tràn ra ngoài, chẳng chứa được thêm gì...Cũng như con người chúng ta thôi, dung tích chứa của cơ thể và tinh thần của chúng ta có hạn, nếu cố tham lam để làm mọi thứ cho thật nhiều, thật đầy... thì ắt cái cơ thể, cái đầu óc đó sẽ bị tràn... theo một cách nào đó, có thể là bệnh tật, có thể là vận xui rủi, cũng có thể là stress hoặc trầm cảm.
.
Anh em muốn rót được nhiều nước hơn, anh em phải tăng dung tích của vật đựng là cái chén thành cái chén to hơn, rồi muốn đựng hơn nữa thì phải tăng thành cái bát, cái thau... Bản thân chúng ta cũng vậy, muốn ăn được nhiều hơn mà không sinh béo sinh bệnh, anh em phải năng tập thể dục hơn, hoặc phải làm việc chân tay, phải tìm cách tiêu hao calo, để cơ thể không tích mỡ, tích các chất dư thừa, một cách tương ứng với lượng thức ăn nạp vào. Anh em muốn cuộc sống tốt hơn, nhiều vật chất của cải hơn, nhiều vận may hơn... thì anh em cũng cần phải tăng cái dung tích lên thì mới chứa được...
.
Cái bình chứa của chúng ta là gì? Tôi tạm gọi chúng như sau để anh em dễ thấy:
- Vỏ bình (NHÂN)
- Khoảng rỗng trong bình (ĐỊA)
- Nước đổ vào bình (THIÊN)
.
Vỏ bình giống như là năng lực chuyên môn, khả năng, hoặc nôm na là sự hiểu biết mà anh em có... Sự hiểu biết này giúp anh em làm việc, kiếm tiền, trao đổi và kết giao ở đời... Nó đại diện cho phần Dương, là phần thấy được bằng mắt bằng tai, phần bề ngoài mà nhiều anh em hay nhìn rồi vội vàng đánh giá. Đây là phần mà anh em có thể chủ động và dễ nhất để thay đổi, phát triển năng lực của mình ngày một tăng lên, chúng ta có thể tạm gọi đó là NHÂN HÒA. Ngược lại nếu anh em không làm gì để thay đổi phần này thì cực kỳ nguy hiểm, lòng tham và sự muốn có thêm có nhiều của anh em không giảm nhưng cái Nhân Hòa - Vỏ bình nhỏ và mỏng mà cố nhồi thật nhiều thì ắt đến một thời điểm nó sẽ bị nứt, bị vỡ... Ở góc độ rộng hơn, Anh em cứ nhìn những đại gia giàu nhất nhì trên tivi hay các chính trị gia tham nhũng gần đây dính lao lý thì biết ngay, hoặc không cần nhìn đâu xa thử nhìn xung quanh mình xem có ai một thời hoàng kim thét ra lửa nhưng khi về già sa cơ lỡ vận không thì biết... Dấu hiệu để thấy được cái VỎ BÌNH (Nhân Hòa) của anh em tăng lên, đó là chuyên môn của anh em phải giúp ích được tốt hơn cho đội ngũ, cho cơ quan, cho công ty... nếu là công ty thì dịch vụ, sản phẩm phải giúp ích được cho khách hàng, giải quyết được vấn đề, nỗi đau cho họ, nếu sống thì phải thành tín, việc mình làm phải giúp đỡ được cho những người xung quanh, chứ không phải lấy đi từ họ...
.
Nhiều năm về trước, khi mới bắt đầu đi làm công việc Thiết kế - Xây dựng, tôi luôn nghĩ phải làm thế nào để kiếm được nhiều việc, từ đó có nhiều tiền, tích lũy nhiều vật chất, tiêu xài thật xả láng... nhưng cuộc đời đạp cho nhiều cú dập mặt mới vỡ ra không phải, tôi bớt tìm cách làm việc để có nhiều tiền đi, thay vào đó là làm việc để hạnh phúc, tìm cách giải quyết, và giúp ích được cho người nào cần đến mình, khách hàng của tôi đôi lúc có người biết họ cần gì, đôi lúc có người không biết... gần như họ chỉ biết điều họ muốn, chứ không phải thứ họ thực sự cần... Tôi luôn cố gắng hết khả năng dù họ có biết là tôi đang cố giúp họ hay không hay là tôi có mục đích cá nhân nào khác. Điều đó cũng không quan trọng lắm vì ở đời mọi thứ đều có DUYÊN - đúng như Nhà Phật đã nói.

Ngoài việc tăng kích thước chiếc bình, anh em còn cần tăng thêm độ dày dặn vững chãi của chiếc bình nữa, bằng cách hãy Bố thí, hãy làm việc thiện, hãy cho đi... nếu anh em có khả năng cho đi ở bất kỳ lĩnh vực nào... Anh em có thể làm việc thiện bằng tiền, bằng vật chất, bằng thực phẩm, bằng khả năng nào đó mà anh em biết, miễn là giúp cho người khác là được anh em ạ... Cũng như chính tôi thôi, khi làm thiện anh em cũng phải cẩn thận trước CÁI TÔI của mình, tốt nhất là làm âm thầm, điều tôi muốn nói là làm thiện một cách đúng đắn, đừng làm thiện vì muốn khoe khoang, phô trương là ta thiện, đó là lại sa đà vào sự muốn thêm nhiều danh tiếng, tích trữ rồi... Anh em có thể tìm hiểu thêm về LỤC ĐỘ BỒ TÁT BA LA MẬT để rõ tường hơn về việc thiện đúng đắn, tránh làm sai cách hoặc tiếp tay cho kẻ khác lợi dụng để trục lợi. Làm việc thiện đúng đắn, bố thí đúng đắn là không còn người cho không còn người nhận, người nhận thầm biết ơn người cho vì hỗ trợ, cúng dường lúc khó, người cho thì biết ơn người nhận đã tạo nhân duyên cơ hội để mình được cày cấy khu ruộng phước.
.
Khoảng rỗng trong bình chính là ĐỊA LỢI, là phần Âm, là thứ không thấy được bằng mắt, nhưng lại là chính cái hữu năng, hữu dụng của vật... Ở quy mô một ngôi nhà xây lên, phần thấy được chính là không gian, thẩm mỹ, đồ đạc nội thất...còn phần không thấy được (hay khoảng rỗng) chính là PHONG THỦY... Phong thủy thì nhiều trường phái, nhiều biến thể, nhiều cách luận giải... nhưng chung quy lại là để tạo ra một môi trường tuần hoàn thuận lợi cho Gia chủ sống trong căn nhà, nhiều nhà Phong thủy sa đà vào việc làm Phong thủy để có lợi cho căn nhà, nhưng thực chất làm Phong thủy để có lợi cho Gia chủ... Họ bảo phong thủy phải quay hướng này, đặt hướng kia, nhưng nấu ăn thì đứng vẹo cột sống, đi tiểu thì phải luồn lách trong nhà vệ sinh, bàn thờ thì khói nghi ngút ngột ngạt không thở nổi... Vậy đó có phải có ích cho Gia chủ không? Ông cha ta xưa ít trường phái, ít biến thể Phong thủy hơn, nhưng dường như các cụ rõ tường hơn nhiều. Nhà hướng Đông Nam, trước trồng cau, sau trồng chuối, trước cửa 3 gian là khoảng sân, trước khoảng sân là ao cá, mà các cụ gọi là MINH ĐƯỜNG TỤ THỦY... dường như các cụ vô cùng thông tuệ trong việc hiểu quy luật của tự nhiên, của môi trường sống, của sinh của khắc, rồi từ đó bài trí sao cho Không gian sống được thuận lợi nhất... Ở góc độ cá nhân, Địa lợi là những mối quan hệ, là vị trí lợi thế của bản thân mình trong một tập thể, ngoài năng lực cá nhân, nếu có thêm môi trường tốt nữa thì năng lực rất nhanh tiến bộ, trẻ con rất nhanh học hỏi, phát triển... Các cụ xưa thường nói GẦN MỰC THÌ ĐEN, GẦN ĐÈN THÌ RẠNG, là vì thế, môi trường là một yếu tố ảnh hưởng nhiều đến một cá nhân. Muốn có môi trường tốt, thì bản thân phải có NHÂN HÒA trước, từ đó mới chủ động xây dựng môi trường như mình, và bổ trợ cho mình... Nếu không có NHÂN HÒA, mà cứ một mực dựa vào ĐỊA LỢI, thì giống như con hư dựa vào cha mẹ giàu có chiều chuộng, năng lực không có mà dựa vào quan hệ xin xỏ để thăng tiến, để lãnh đạo người khác, thì ắt họ sẽ không phục, tập thể dần suy yếu, vị trí sẽ lung lay không bền vững...
Xây nhà mà cho rằng coi thật nhiều thầy Phong thủy, cúng bái thật nhiều... để được lộc mà NHÂN HÒA (lòng tốt giúp người trong âm thầm) không có thì Phong thủy cũng vô ích (Khổng Tử).
.
Hai thứ Vỏ bình và Khoảng rỗng của bình, anh em có thể chủ động rèn luyện, tìm kiếm, tạo dựng được nhưng riêng NƯỚC ĐỔ VÀO BÌNH anh em không thể quyết được, vì đây là việc của Ông Trời, là thứ mà Ông Trời cho anh em, nó nằm ở chữ THỜI, gọi là THIÊN THỜI... Ai cũng có cái Thời, và thời điểm xảy ra cái Thời của mỗi người không giống nhau, nên vì thế anh em đừng bao giờ so sánh mình với người khác, hay với bạn bè đồng nghiệp, cấp trên làm gì, vì cái Thời của họ khác của anh em, Thinh hôm nay nhưng chắc gì đã không Suy vào ngày mai. Cái anh em có thể so sánh duy nhất là mình hôm nay khác gì so với ngày hôm qua (NHÂN HÒA), Nhân hòa là thứ anh em có thể tăng trưởng đến vô biên, tùy vào năng lực, kiên trì, rèn luyện, điều mong muốn của anh em... Lấy ví dụ ngay chính tôi, ngày xưa đi học Văn học gần bét lớp, nhưng vài năm nay tôi viết rất nhiều, thuyết trình cũng nhiều, trình bày cũng nhiều để trao đổi đối thoại với Gia chủ, với Đối tác, khách hàng... giờ nó thành sở thích, vì mỗi ngày đọc một chút, mỗi ngày viết một chút, mỗi ngày lắng nghe một chút, thì khả năng tăng lên, còn ngược lại nếu tôi không thử viết, không tập viết mà cứ tin rằng mình ngu văn theo điểm số trên lớp với sách giáo khoa, thì giờ chắc chắn tôi vẫn chả viết được cái gì, chả trình bày được ý tưởng gì của mình với ai...
.
Nói về chữ THỜI thì nó mênh mông lắm, THỜI mà đến nhưng không thấy được đó là Thời thì nó cũng tuột trôi đi mất không biết khi nào trở lại. Vừa phải biết nhìn Thời, vừa phải biết chờ Thời thì mới thành tựu được anh em ạ, ở đời có mấy ai hội tụ được cả Hòa, cả Lợi, cả Thời??? Nếu có ắt cũng là Cao nhân rồi... Anh em nào nếu đọc hoặc xem Tam Quốc sẽ thấy Tư Mã Ý chờ Thời như thế nào, sẵn sàng chịu Khổ, chịu Nhục, chịu Khó... đến tuổi già cập kê khi họ Tào suy yếu, ông mới phất cờ giành được Thiên Hạ... Hay như Gia Cát Lượng - ông được gọi là thần cơ diệu toán, trong trận hỏa công ở Thượng Phương Cốc, ông đã cho rằng nắm chắc phần thắng trong tay và dồn được Tư Mã Ý đến đường cùng, nhưng cuối cùng Trời đổ cơn mưa và Tư Mã Ý thoát nạn, đó chính là THIÊN THỜI.
.
Có Địa lợi (Phong thủy tốt, quan hệ tốt, môi trường tốt), chớp được Thiên Thời... anh em sẽ giàu rất nhanh, nổi rất nhanh, cuộc sống sẽ hào nhoáng, xa hoa... nhưng anh em cẩn thận, thiếu Nhân hòa thì không bền, điều gì nhanh đến, sẽ nhanh đi, bạo phát thì bạo tàn.
Hãy nhìn những doanh nhân giàu có vướng vòng lao lý xem, hãy nhìn những "Ông Vua" khi có quyền chỉ chăm chăm vơ vét tham nhũng, hưởng thụ mà không làm lợi cho dân xem, hãy nhìn những người đương chức đương thời mà cậy quyền cậy thế, o ép cấp dưới, o ép người yếu thế hơn xem... Anh em có thời gian hãy nhìn và ngẫm anh em sẽ tự thấy, mà không cần phải tin lời của tôi.

Để phối hợp được nhịp nhàng cả Thiên - Địa - Nhân thì không dễ, nhưng cũng không quá khó nếu anh em coi đó là việc cần làm, nên làm... Giống như nghệ sĩ tung hứng, anh ta muốn tung được cả 3 trái bóng, anh ta phải biết giữ thăng bằng, hay như con đường Trung Đạo mà Đức Phật Thích Ca đã khai thị vậy.

Chúc anh em Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa.

<Khương Thanh>