6/24/23

NHIỆM VỤ GỐC RỄ CỦA MỘT KIẾN TRÚC SƯ

Nhiệm vụ gốc rễ nhất của 1 Kiến trúc sư không phải là mang toàn bộ kiến thức, kinh nghiệm, hay sở thích riêng của mình, nhét vào một căn nhà mà anh ta đang triển khai Thiết kế... Không phải đơn thuần là vẽ ra mấy tờ A3, A4. Cũng không phải làm thay Gia chủ quyết định không gian thế này mới đúng thế kia là sai... Không gian thế nào, chỉ có Gia chủ biết, họ phải tìm ra thứ mình muốn, trước khi muốn người khác làm gì đó cho mình...

Giống như ăn cơm vậy, mỗi người 1 khẩu vị, đôi khi không hiểu tại sao, nhưng nó là vậy. Cơm có món cứng món mềm, có vị chua, cay, mặn, ngọt... Anh có thể bảo ăn cay hại lắm, đừng ăn... Nhưng một người khác hoàn toàn có thể phản bác: "Kệ mẹ tôi, ăn cay hại, vậy ông ăn ngọt có bị tiểu đường không, ăn chua có đau dạ dày không, ăn cứng có sái quai hàm không?"... . Xét về không gian cũng không khác ăn cơm là mấy, căn nhà là không gian... Anh muốn làm một căn nhà tốt, anh phải biết mình thực sự muốn gì, cái không gian như thế nào thì giúp cho anh nằm ườn thư thái, cái không gian thế nào giúp anh thích thú và an toàn khi tọa vào đúng cái chỗ ngồi, cái căn phòng ấy? Anh muốn thưởng thức, nếm mọi thứ bằng các giác quan của anh, hay anh thích nếm bằng giác quan của người khác...? (bố tổ giác quan ông khác cũng là nếm bằng giác quan của ông khác nữa, và cứ thế các anh nếm cuộc đời bằng những nhãn dán).

Nó nằm ở cái phần sâu trong anh, anh không lôi được ra để biết nó là gì, thì có bố tổ ông KTS cũng không lôi được hộ anh... Họa chăng ăn may trúng ý, nhưng trường hợp như vậy không nhiều. . Một người Kiến trúc sư có tự trọng, chỉ có thể giúp anh dựng lên cái mong muốn thô sơ của anh thành những đường vẽ sắc nét rõ ràng, hạn chế tối đa những bất cập từ mong muốn của cái A nhưng sẽ tạo nhược điểm cho cái B. Chỉ cho anh thấy nếu làm vậy có cái hay cái dở như thế nào, nếu cái dở không xử lý được, vậy thì anh có thể chấp nhận được cái dở đó để đánh đổi lấy cái hay khác mà anh muốn hay không?... . Và anh thấy đó, Thiết kế đúng nghĩa của một Kiến trúc sư có tự trọng, không phải qua 1, 3 câu nói của anh là Thiết kế cho anh cái này cái nọ, cái đẹp cái sang, hơn ông hàng xóm... Nó trải qua quá trình tư duy, những buổi trao đổi THẲNG THẮN, có chiều sâu và hiệu quả... Kiến trúc sư tự trọng không phải là người vẽ cho anh 3 cái thứ hình thức, giống của ông nọ bà kia, mà gốc rễ nhất là người giúp anh lôi ra cái MUỐN cái CẢM GIÁC ở trong anh, và cuối cùng kết lại bằng những bản vẽ kỹ thuật thi công. ...

Đồng ý, Kiến trúc sư có quyền có phong cách, có cá tính, có cái tôi... và yêu cầu căn nhà phải theo chủ quan của người Thiết kế, phải có cá tính Nghệ thuật, chất riêng của Người Thiết kế... Nhưng hãy để ý xem, có mấy ai đủ ăn đủ mặc, có mấy gia đình trung lưu mà treo tranh của Picasso hay của Van Gogh hay không???

Những người muốn mua cái tôi, cái cá tính của Người Thiết kế, thông thường họ đã có thừa rất nhiều căn nhà rồi, cái lúc này họ cần ở cái CẢM nhiều hơn là cái MUỐN nguyên thủy về một nơi chốn, một chỗ ở đúng nghĩa... <kts khuongthanh>