7/19/20

CHÚNG TA LÀ NHỮNG KẺ NGHIỆN NGẬP

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe, một sự thực tôi vừa được vỡ lẽ, và có lẽ cũng là một điều may mắn tôi được nhận ra.

Đã bao giờ các bạn thấy một con nghiện thuốc cầm trên tay một chiếc xi lanh chứa đầy nước cất và thuốc, đang chuẩn bị buộc lấy ven để chích thuốc. Hay là trên báo đài thường đưa tin về những anh chàng hay những cô gái trẻ phê pha với M.a T.úy đá, những chất kích thích có hại cho sức khỏe và những người xung quanh, bị pháp luật nghiêm cấm chưa. Hẳn là các bạn đều biết rồi phải không, đây là những kẻ mà xã hội luôn gọi bằng cái tên: "Những con nghiện".

Vậy thế nào là "Những con nghiện". Theo nhận thức của tôi thì những con nghiện là những kẻ sử dụng những chất mà Pháp luật nghiêm cấm, xã hội lên án. Những người này không tự chủ được bản thân, không điều khiển được những hành vi của bản thân, mà khi đã vướng vào nghiện một món nào đó sẽ rất khó để từ bỏ.

Nhẹ nhàng hơn, cũng là những con nghiện nhưng vẫn được chấp nhận như: Nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện lô đề cờ bạc, nghiện gái mú...

Tại sao những thứ nghiện trên thường bị xã hội lên án, ngăn cấm nhiều đến thế?

Bởi vì những thứ trên sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đến những người xung quanh, đến gia đình, người thân, vợ con... Bất kể ai cũng dễ dàng nhận thấy phải không?

                                                                             ***
Tôi có đứa em trai, nó "Nghiện game" và thường bám lấy máy tính suốt từ sáng đến chiều chỉ để chơi những trò chơi trên internet và xem mạng xã hội. Hơn 23 tuổi đầu nhưng thiếu động lực làm việc, động lực để ra đời va chạm... Thực ra, điều này cũng không riêng gì mình nó, tôi cách đây nhiều năm, khi ở tuổi nó cũng như nó vậy. Từ năm đầu đến năm thứ 3 đại học, chơi game thâu đêm suốt sáng, chơi liên miên, chơi không ngừng nghỉ, thậm chí ngày nghỉ học để cày game, hết cày game lại chuyển sang xem phim, rồi tham gia mấy thứ vô bổ.

Mẹ tôi cũng giống như đa số các bà mẹ, khi thấy con mình như vậy, thì ngăn cấm, ngăn cấm mãi không được, thì nhận định rằng: "thằng này mắc bệnh nghiện game rồi, nguy hiểm quá, tivi cũng cảnh báo nhiều rồi, từ nghiện game rồi sinh ra đủ thứ thói hư tật xấu khác nữa". Mẹ tôi rất buồn, mắng mỏ suốt ngày, ngăn cấm, đi theo rồi thậm chí bắt rồi chửi tại trận, nhưng sau bao năm, nó vẫn vậy không sửa chữa được.

Tôi đưa nó ra Hà Nội, tìm cho nó việc làm, để nó ở bên cạnh để tôi có thể chỉ cho nó những kinh nghiệm mà tôi có, tôi từng trải qua. Nhưng thực sự rất khó, rất khó để bắt ép một người khác phải làm một điều gì đó mà họ chưa từng trải qua, cho dù điều đó đúng, có lợi, và tốt đẹp đi chăng nữa; nhưng nếu không phải tự chính bản thân họ mong muốn làm thì cũng là vô ích. Tranh thủ những thời gian rảnh, tôi lại tìm sách báo, tìm và đọc những câu chuyện, tìm để có một câu trả lời, như đi tìm thuốc chữa cho một căn bệnh vậy. Như chính tôi cách đây nhiều năm, tự mình phải tìm ra cách vượt qua chính mình, tự mình phải thoát khỏi căn bệnh mặc cảm và tự ti, để thoát ra khỏi vỏ bọc nhút nhát và khép kín của mình. Chẳng có một ai dẫn dắt, chẳng có một ai hướng dẫn chỉ dạy, điều duy nhất tôi có đó là cảm thấy một cái gì đó thiếu thiếu và sai sai, và tôi rất muốn để tìm ra, vượt ra khỏi điều đó, đó là lý do mà tôi tạm thoát được.

Khi có những trải nghiệm như vậy, tôi hiểu ra thực chất bản chất của những con nghiện, từ nghiện chất cấm, nghiện rượu, nghiện thuốc, nghiện game, nghiện nhậu... hay từ những thứ nhỏ nhất như nghiện chơi, nghiện shopping, nghiện ăn, nghiện ngủ, nghiện làm, nghiện chê bai, nghiện nói xấu, nghiện một thói quen nào đó... tất cả những thứ đó chỉ là biển hiện, ẩn sau những thứ đó chính là sự thèm khát một cảm giác được thỏa mãn một mục đích, mà sự thỏa mãn đó được thực hiện dễ dàng bằng những thứ trên, khi đó Dopamine sinh ra, tạo cảm giác khoái lạc, dễ chịu... Những thứ cảm xúc trên, ta có thể đạt được bằng cách làm việc nhà, vượt qua được kỳ thi, đạt điểm cao khi tốt nghiệp, ra trường với bằng khá giỏi, xử lý được một công việc xuất sắc, khởi nghiệp thành công... Nhưng kỳ thực, xã hội ngoài kia lại không như vậy, để đạt được những việc đó yêu cầu một người phải trả cái giá bằng sự nỗ lực, nhẫn nhịn, kiên trì, chịu khó, chấp nhận những thử thách, thậm chí phải thất bại, chịu đựng cô đơn, vấp ngã nhiều lần... mới có thể đạt được. Thực sự là không hề dễ dàng gì, nhưng con người thì ai cũng khao khát được thỏa mãn, để chất dopamine được sản sinh và tạo cảm giác khoan khoái, do đó chúng ta tìm đến những chất kích thích hay những việc đơn giản dễ dàng để có cảm giác đó tạm thời.

Ví dụ như: ngoài đời muốn qua ải (xử lý được công việc khó), bạn phải rèn luyện kỹ năng (skill) đến một mức độ đủ mới có thể đánh Boss (hoàn thành được), rồi mới lên được cấp tiếp theo (thăng tiến). Nhưng trong game những việc này bạn chỉ cần mất 30 phút là có thể hoàn thành xong một ván đấu với chiến thắng vẻ vang, với tất cả công đoạn từ luyện skill đến đánh boss, dễ dàng hơn rất nhiều. Việc bạn nghiện thuốc hay chất cấm cũng thế, sẽ giúp não bộ nhan chóng được cảm giác khoan khoái, trốn tránh hiện tại để phiêu du trong cảm giác của bạn... Nghiện mạng xã hội cũng tương tự, chúng ta vì sợ sự cô đơn nên thèm khát một sự công nhận từ người khác, luôn phải tìm kiếm một cộng đồng, hoặc cầm điện thoại chờ một tin nhắn, một nút like từ ai đó ...


Sự nghiện và sự vượt qua không phải là một bản nhạc trong 5 phút mở đầu và kết thúc chóng vánh các bạn ạ. Đó là một quá trình liên tục lặp đi rồi lặp lại, tôi tưởng chừng đã thoát ra được cho đến khi  những cửa ải lớn khác - thực sự lớn đối với tôi lại liên tiếp xảy ra. Trước đây tôi thường có tư duy áp đặt cho những người xung quanh tôi, vì không bỏ được những thói quen xấu của họ giống như tôi từng mắc phải, tôi cho rằng đó là nghiện ngập, phải bỏ chứng nghiện. Nhưng dù làm cách nào để giúp họ hay tự giúp chính mình cải thiện đi chăng nữa, nó cũng chỉ nằm ở mức độ Cành và Ngọn, khi cái Gốc rễ vẫn còn, việc này sẽ còn lặp đi lặp lại... Một tuần qua, tôi rơi vào trạng thái mất hết ý chí, động lực mình từng có, con người mạnh mẽ từng vượt qua nhiều khó khăn trở ngại đâu rồi, càng trách móc bản thân càng rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn... Ngay chính mình vẫn còn chưa thoát ra được thì mình giúp ai, dẫn dắt ai đây?

Đã nhiều ngày tôi ngồi tĩnh lặng một mình, suy nghĩ và nhớ lại những điều tôi học được trong Tâm lý học phân tích của Carl Jung, nhận ra vấn đề nhưng trí não thì như con vượn chuyền cành vậy, càng cố gắng bắt nó ngưng lại, thì nó càng xáo trộn, cách duy nhất là nhận thức về nó, thấu hiểu nó, chấp nhận nó... Tôi cần phải học cách rèn luyện việc này. Ngày mai tôi sẽ vẫn là tôi, vẫn có những nỗi niềm, và khó khăn trong cuộc sống, nhưng tôi sẽ thức dậy mỗi ngày cộng thêm một chút nhận thức sâu sắc qua từng trải nghiệm sống.

Đây là blog ghi lại những trải nghiệm của tôi, nếu có duyên đọc được, tôi hy vọng nó sẽ đem lại một góc nhìn có ích cho bạn.

<Duy Thanh>

--------------------------------------------
Nếu bạn cũng là một "Con nghiện" đang tìm cách thoát ra, tôi xin tặng bạn một bài thuốc quý dưới đây:
(Nguồn: kênh Là Bí Mật)
"Khoái lạc (pleasure) và an lạc (happiness) đều là những trạng thái tâm lý mà bạn cảm thấy tốt và tận hưởng. Khoái lạc thường được gây ra bởi các kích thích bên ngoài, và thường liên quan đến năm giác quan. Trong khi an lạc là một một trạng thái của sự bình yên nội tâm, sự tĩnh lặng và hài lòng từ bên trong. Các nhà khoa học thần kinh não bộ đã khám phá rằng có hai chất truyền dẫn thần kinh khác nhau xảy ra trong phản ứng sinh hóa tạo ra hai trạng thái tâm lý này. Chất dopamine là chất dẫn truyền kích thích niềm vui khoái lạc, còn serotonin là chất dẫn truyền kích thích cảm xúc hạnh phúc lâu dài.
Dopamine chỉ tiếp xúc với 5 thụ thể não. Là chất dẫn truyền thần kinh tương tác với những cơ quan cảm thụ để thúc đẩy cảm giác ham muốn và động lực.Khi đó, Serotonin là chất lan truyền tín hiệu hạnh phúc ra các vùng khác trong não bộ. Nó va chạm vào ít nhất 14 thụ thể khác nhau. Các nhà khoa học tin rằng, đây là một phần lý do sự hạnh phúc có thể được cảm nhận bằng nhiều cách khác nhau như cảm giác vui mừng, tình yêu và mãn nguyện.
Nếu một hoạt động giải phóng quá ít dopamine, bạn sẽ không có nhiều động lực để làm điều đó. Nhưng nếu một hoạt động giải phóng nhiều dopamine, bạn sẽ có động lực để lặp lại nó, lặp đi lặp lại.Trong xã hội kỹ thuật số ngày nay chúng ta đang làm ngập bộ não chúng ta với lượng Dopamine cao bất thường hàng ngày. Những hành vi dopamine cao như: lướt các trang web truyền thông xã hội, chơi game, xem nội dung khiêu dâm trên internet, hay tự sướng.v.v..
Khi não bộ của bạn đã quen với dopamine liều cao rồi thì mức cao đó trở thành mức bình thường mới của bạn. Sức dung nạp dopamine của bạn đã phát triển. Đây có thể là một vấn đề lớn, bởi vì những điều gì không cung cấp cho bạn nhiều dopamine thì không gây hứng thú bạn nữa. Và cũng trở nên khó khăn để thúc đẩy bản thân có động lực thực hiện những công việc khó khăn. Bạn cảm thấy nhàm chán và kém vui, bởi vì não không giải phóng nhiều dopamine so với những thứ trước kia.
Đó là lý do tại sao mọi người có xu hướng thích chơi game hoặc lướt internet so với học tập hoặc làm việc, vì chúng giải phóng rất nhiều dopamine.
Vậy có điều gì có thể được thực hiện để ngăn chặn điều này? Câu trả lời là bạn cần thực hiện dopamine detox, tức là "cai nghiện chất dẫn truyền thần kinh tạo nên khoái lạc nồng độ cao".



 



 

7/17/20

TẠI SAO CHÚNG TA LẠC LỐI?

Lạc lối? Chắc hẳn bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng, đang và có thể sẽ lạc lối bất kỳ lúc nào? Tại sao xã hội ngày càng phát triển, đủ đầy, ngay cả việc tìm đường cũng trở nên dễ dàng ở bất kỳ đâu, thậm chí ở những nơi xa xôi bạn chưa từng đặt chân đến, nhờ có công nghệ bạn đều có thể giải quyết... Nhưng thật trớ trêu, dù có đủ đến đâu, chúng ta vẫn luôn có thể "lạc đường" và cảm thấy thiếu thiếu một thứ gì đó?

Tầng lớp trung lưu của xã hội tăng cao đáng kể so với thời đại trước, nhiều trong chúng ta chẳng phải lo mấy về "ăn no mặc ấm" mà quan tâm đến "ăn ngon mặc đẹp" là chủ yếu.

Từ khi sinh ra đến khi lớn lên, chúng ta được dạy phải học - học - học - vào những ngôi trường điểm, tốt nghiệp loại khá giỏi để kiếm được công việc ổn định, rồi lập gia đình trước tuổi 30, sinh con đẻ cái, làm ông nọ bà kia, lặp lại vòng tuần hoàn của bao thế hệ trước, và cũng là vòng tuần hoàn của đa số xã hội này.

Một bản thiết kế hoàn hảo cho tất cả những người đang tham gia cuộc chơi, dường như những con đường đã được vạch sẵn, chúng ta chỉ cần bước lên vạch xuất phát và chạy một mạch theo những người đang chạy phía trước. Kẻ làm công hãy ra sức làm công để có cơ hội thăng tiến, kẻ làm chủ hãy ra sức tìm cách để mở rộng công việc kinh doanh, đàn ông phải có sự nghiệp phải giàu, đàn bà phải cố gắng lấy được thằng chồng "ngon nghẻ" trước thời hạn của tuổi thanh xuân, trẻ con thì "phải học" đủ các thứ trên đời... Và Hãy lao về phía trước!

       .

Những cục đá trên đường, đôi khi chúng lại là điều cần thiết, cục đá có thể làm chúng ta ngã nhào, xây xát, thậm chí đau đớn thương tích... Nhưng có khi, nhờ cục đá chúng ta mới có cơ hội được dừng lại để nhìn thấy quang cảnh xung quanh, rồi giật mình hoảng hốt, mới biết đã chạy được 1/3 quãng đường...

Thực chất, Chúng ta là những kẻ "Sợ cô đơn", vì lẽ đó chúng ta luôn bắt chước, chạy theo, hòa nhịp vào đám đông, để có cảm giác mình không lạc lõng. Facebook đã quá thành công bởi họ cho chúng ta thứ mà chúng ta luôn khao khát - một cộng đồng, một đám đông để chúng ta được hòa vào, được thể hiện, được ngợi khen, được chê bai và phán xét... Để cảm thấy mình đang tồn tại.

Hòa nhịp vào đám đông chẳng có gì là sai trái nhưng vì cố gắng hòa nhịp vào đám đông mà quên mất bản thân mình thì quả là một cuộc đời vô nghĩa... Chúng ta chấp nhận làm những việc mà sâu bên trong chúng ta cảm thấy chán ghét mệt mỏi, chỉ vì chúng ta không muốn bị mất đám đông đó. Chúng ta đồng ý một lời nhờ vả, nhưng tận sâu trong lòng thì cảm thấy khó chịu, chỉ vì chúng ta ngại nói từ chối, có khi ta lấy lý do rằng tại vì ta tốt bụng và dễ dãi, nhưng sự thực là do ta sợ bị đánh giá - nguồn cơn chính là nỗi sợ bị cô lập khỏi đám đông hoặc mất đi mối quan hệ.

Nhưng bạn tôi ơi, những việc bạn làm đó có giúp bạn cảm thấy đủ đầy và an yên hay không? Bạn có cảm thấy bớt cô đơn khi đứng giữa đám đông ồn ào đang khoác lên một lớp mặt nạ hoàn hảo, mà đằng sau mỗi lớp mặt nạ đó có khi lại là một tâm hồn đang tức giận và tổn thương hay không? Không bạn ạ, bạn chỉ có thể an yên khi biết cách làm bạn với cô đơn, và lắng nghe tiếng nói từ sâu bên trong bạn.

Hãy biết quan tâm đến chính bản thân mình trước, đám đông chỉ là thứ yếu. Xin đừng hiểu lầm ý tôi rằng quan tâm bản thân mình trước là lối sống vị kỷ, ăn ngon, chơi đã, mặc đẹp, tô vẽ hào nhoáng... như vậy là đang sống cho con mắt của kẻ khác đó chứ. Chẳng thế mà thời nay, người ta trầm cảm và tỷ lệ tự tử nhiều đến như vậy, ngay cả đến những văn nghệ sĩ nổi tiếng với thừa thải tiền bạc, đạt đến đỉnh cao của danh vọng và luôn có đám đông vây quanh... Họ có đủ đầy và viên mãn không? Hay là cô đơn cùng cực trong chính đám đông của mình?... Quan tâm mình trước là quan tâm đến cảm nhận sâu sắc nhất của bản thân mình (lắng nghe và phân biệt với cái tôi ngã mạn), sẵn sàng buông bỏ đám đông nếu bắt buộc bạn phải lựa chọn, đừng bao giờ bỏ rơi chính mình để chạy theo đám đông...

"Bạn không cần phải đi đâu xa để tìm thành Rome, bởi thành Rome luôn ở bên cạnh bạn rồi."

Tôi là Duy Thanh, tôi luôn ở đây để lắng nghe bạn.

<Duy Thanh>