11/26/20

HỌC KINH DỊCH ĐỂ LÀM GÌ?

 Học Dịch, để làm gì?

Học dịch để mà hiểu về quy luật vận hành của vũ trụ, quy luật tự nhiên và sống thuận theo tự nhiên. 

Học dịch để mà biết mình (tự tri), để mà thực hiện cái sứ mệnh của cuộc đời mình. 

Dịch kinh, không chỉ là biến mà còn là cái bất biến, biến đến cùng cực thì phản lại, đó gọi là phản phục, "vật cùng tất biến, cực tất phản". Hiểu được cái quy luật phản phục này, ta thấy sự việc trong đời, hễ có Âm thì có Dương, có Thịnh có Suy, có Tốt có Xấu, có Phúc có Họa. 

Học dịch, giúp ta thoát khỏi cái Nhị Nguyên luận của lý trí, nó không thiên hẳn về Thiện hay Ác, cho nên "sống" không phải là "phúc" mà "chết" không phải là "họa", vì trong cái "sinh" đã có cái "tử", trong cái "tử" đã có cái "sinh" trực sẵng (vật phương sinh phương tử). Nên học dịch là giúp ta thản nhiên đối với bất cứ sự việc gì, dù tốt hay xấu, lợi hay hại. "Đó là cái Đạo của tự nhiên"

Học dịch, để thoát khỏi cái "chấp" cái chấp của ngôn từ, cái chấp của tri kiến. Vì học dịch không phải ở lời mà ở ý: "Ý tại ngôn ngoại". Người học dịch mà chỉ chấp vào lời, thì chỉ hiểu được phần thiển cận, mà chỉ khi nào hiểu được phần ý mới mong đạt được đến phần thâm sâu của Dịch. Nên mới nói: " Tiền nhân vì ý mà truyền lời, hậu bối lại đọc lời mà quên ý, nên dịch vì thế mà thất truyền". Nên người mà chấp vào lời (ngôn) là chưa biết đọc Dịch.

Học dịch, để thoát khỏi tri kiến của cá nhân, thoát khỏi những điều mà ta cho là biết rồi, nhưng thực sự ta có biết rõ nó?. Thánh nhân học dịch, theo lời cũ mà phát minh được nghĩa mới, nếu cứ chấp vào văn tự, tri kiến cũ, câu nệ mà chẳng biến thông, không sinh được ý mới gì cả, sẽ không bao giờ học dịch nỗi. 

Dịch là nói về lẽ sống. Người câu nệ là kẻ đã chết: chết trong quá khứ, chết trong khuôn khổ. Mỗi lần nói ra đều là điều mới.

Trích: "Dịch Kinh Tường Giải"

Tác giả: Thu Giang.



11/21/20

CHỮ LỄ

Trong ngũ thường về đối nhân xử thế gồm: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Lễ là chữ gần chữ Nhân nhất, mà Nhân là người, vậy lễ là cái mà giúp cho chúng ta gần với "người" nhất, là cái mà giúp cho ta phát huy cái phần "người" bên trong mình nhất. Trong xã hội ngày nay, nếu ta không giữ cho nhau cái lễ nghĩ, cái mà người đời hay nói "Tôn sư trọng đạo" hay như " Tiên học lễ, hậu học văn"(học làm người trước, học chữ sau), thì xã hội này ra sao?. Anh, em không giữ lễ nghi với nhau, thầy - trò không giữ lễ với nhau, bạn- bè không giữ lễ với nhau thì xã hội này có loạn không?. 

Vậy mà trong cuốn "Đạo Đức Kinh" bản dịch Nguyễn Duy Cần có nói:

"Mất đạo rồi mới có Đức, 

 Mất Đức rồi mới có Nhân ,

 Mất Nhân rồi mới có Nghĩa

 Mất Nghĩa rồi mới có Lễ ..

Lễ chỉ là cái vỏ mỏng che ngoài của lòng Trung Tín và là cái đầu mối của hỗn loạn.

Chẳng phải Lão Tử chê cái Lễ nghi sao? Không, 

Lão Tử sở dĩ trọng Đạo Đức mà khinh Nhân Nghĩa Lễ ... là khinh cái Đức của sự đã mất Đạo . Mất đạo rồi mới có Đức , chữ Đức này là” nhân sự chi đức “ chứ không phải là cái Đức của Đạo. 

Cũng như trong câu “ thượng Đức bất Đức “ thì chữ thượng Đức là ám chỉ cái Đức của Đạo , còn chữ “ bất Đức “ ám chỉ cái Đức của nhân sự , cái Đức của sự mất Đạo Đức.

Vậy hiểu theo ý này thì, Lão Tử muốn nói, người có Đạo Đức thì đối xử với nhau bằng cái tình, cái lễ, mà cái tình, cái lễ này xuất phát từ bên trong mình, từ tâm mình ra, từ cái Đạo Đức bên trong mình, chứ không phải xuất phát từ cái lễ nghi, phép tắc, mà người đời áp đặt, gò bó vào đó. 

Nếu hiểu được như thế, ta sẽ hiểu được tại sao Lão Tử lại nói như thế.

(Tủ sách Nguyễn Duy Cần - Lão Tử Đạo Đức Kinh)