5/18/20

MARCUS AURELIUS VÀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ

Các bạn có thể áp dụng những kinh nghiệm trường phái Khắc Kỷ Stoicism của hoàng đế Marcus Aurelius vào cuộc sống hằng ngày để có một tâm lý nhẹ nhàng hơn cũng như công việc đạt hiệu quả cao hơn. Những lời dạy này tuy đã có từ hàng nghìn năm trước, nhưng sống mãi với thời gian và trở nên đặc biệt cần thiết cho con người hiện đại ngày nay để đương đầu với stress mà vẫn giữ được đức hạnh. Mặc dù các giáo lý của trường phái Khắc Kỷ (Stoicism) hướng đến sự yên tĩnh, mục tiêu cuối cùng là sống có đạo đức và phù hợp với bản chất tự nhiên của càn khôn. Vì vậy, sự thành công của một người Stoic là sống một cuộc đời đức hạnh. Nhưng bất kể chúng ta theo đuổi điều gì, các giáo huấn của hoàng đế Marcus Aurelius chứa đựng nhiều lời dạy dựa trên logic và lý lẽ để giúp chúng ta cải thiện tư duy và thành công. Dưới đây là năm bài tiêu biểu: 

(1) Hãy tạo ra những người thầy.
Marcus Aurelius đã học từ nhiều người xung quanh ông. Rất cảm hứng khi đọc về cách ông rút ra những khía cạnh tích cực của mọi người và coi đây là những bài học để kết hợp trong cuộc sống của chính mình. Ví dụ: Từ người mẹ, ông học được sự hào phóng; từ ông cố của mình, ông học cách tránh các trường công lập và thuê giáo viên tư thục giỏi giang; từ Diognetus, ông học cách không lãng phí thời gian vào những thứ vô nghĩa, và từ Maximus, ông học được cách tự chủ. Marcus mô tả nhiều người khác nhau là giáo viên của mình; từ những người thân trong gia đình đến các vị thần. Vì vậy, đối với ông, người thầy không nhất thiết phải là "giáo viên", họ có thể là bất cứ ai.

Thay vì tìm lỗi, ông tập trung vào những khía cạnh tốt của những người mà ông có thể kết hợp vào cuộc sống của chính mình. Việc này có thể truyền cảm hứng cho chúng ta làm điều tương tự: hãy nhìn tốt về con người trong môi trường xung quanh, và thay vì chằm chằm phán xét sai sót của họ, chúng ta có thể ngưỡng mộ vì những đặc điểm tốt mà họ sở hữu. Chúng ta cũng có thể nhìn vào các triết gia, một số người nổi tiếng và cả các nhân vật tôn giáo để xem họ có thể dạy bảo điều gì. Ngoài ra, những người mà chúng ta coi là "xấu xa, độc hại" thường có những phẩm chất đáng ngưỡng mộ mà chúng ta có thể muốn khai thác cho bản thân. Bằng cách này, chúng ta tạo ra các giáo viên từ những người xung quanh, thay vì tạo thêm các đối thủ, kẻ thù và nhân vật phản diện. Bằng cách làm việc cùng nhau và mang lại lợi ích cho nhau, chúng ta có khả năng trở nên thành công hơn so với cách ngược lại. Bốn giáo lý tiếp theo dựa trên chương thứ tư của sách "Suy Tưởng" của Marcus Aurelius.

(2) Ngừng quan tâm đến người khác.

Điều này có vẻ hơi mâu thuẫn với giảng dạy trước đây, nhưng khi nói đến người khác, Marcus chỉ ra tầm quan trọng của việc không quan tâm.

"Sự yên tĩnh sẽ đến khi bạn ngừng quan tâm những gì họ nói, suy nghĩ, hoặc làm. Chỉ quan tâm đến những gì bạn làm. Không để bị phân tâm bởi mặt tối của họ. Để chạy thẳng đến vạch đích, không nao núng"

Quá thường xuyên, chúng ta thấy mọi người kìm hãm nhau lại. Chẳng hạn khi bạn bắt đầu làm gì đó mới mẻ, nhiều người hoài nghi và nghĩ rằng sẽ tốt hơn (và an toàn hơn) nếu bạn tập trung vào công việc thường nhật của mình. Theo một cách nào đó, họ đã đúng, nhưng vấn đề là: họ nói theo quan điểm của họ và có thể hoàn toàn khác với góc nhìn của bạn.

Điều này không có nghĩa là không nên xin lời khuyên từ người khác , nhưng cuối cùng, người biết điều gì tốt nhất cho bạn chính là bạn. Những người hoài nghi không có tầm nhìn và kiến thức của bạn, vì vậy họ không thể thể hình dung ra ý tưởng của bạn đâu. Mặc dù bạn tôn trọng ý kiến của họ, bạn không nên cho phép những người này ngăn bạn tiếp tục kế hoạch của mình.

Một phần trong những người hoài nghi có ý định tốt và cũng có những kẻ cố tình phá hoại chúng ta. Khi gặp trường hợp này, lời khuyên của Marcus Aurelius là hữu dụng nhất: đừng bị phân tâm bởi mặt tối của họ.

Nhiều người ghen tị. Nhiều người vui mừng khi thấy người khác thất bại. Điều này liên quan nhiều hơn đến sự bất an và thiếu sót của họ hơn là của chúng ta. Chủ nghĩa Khắc Kỷ có thể giúp chúng ta ít quan tâm đến những gì mọi người nghĩ, vì vậy chúng ta có thể chạy thẳng về đích, không hề nao núng, như lời của Marcus Aurelius.

(3) Làm những gì cần thiết.

Một giáo lý khác của Marcus Aurelius có thể được coi là một hình thức của chủ nghĩa tối giản. Nhiều người, bao gồm cả tôi, đã rơi vào cái bẫy làm nhiều việc không liên quan, gây lãng phí rất nhiều thời gian và sức lực. Khi không có tầm nhìn rõ ràng về những gì phải làm để đạt được mục tiêu, chúng ta trở nên vô mục đích. Hậu quả là chúng ta trở nên căng thẳng, hoặc thậm chí kiệt sức. Đó là lý do tại sao việc theo sát các yếu tố cần thiết rất quan trọng.

"Nếu bạn tìm kiếm sự yên tĩnh, hãy làm ít hơn. Hoặc (chính xác hơn) làm những gì cần thiết theo cách cần thiết, các thứ mà bản chất tự nhiên (logos) của một xã hội yêu cầu. Điều này mang lại sự hài lòng gấp đôi: làm ít hơn, tốt hơn. Bởi vì hầu hết những gì chúng ta nói và làm là không cần thiết. Nếu bạn có thể loại bỏ bớt, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn và yên tĩnh hơn. Hãy tự hỏi mình mọi lúc, " điều này có cần thiết không ?" Nhưng chúng ta cũng cần loại bỏ những giả định không cần thiết, để lược ra các hành động thừa thãi theo sau"

Tùy thuộc vào những gì chúng ta muốn, làm điều thiết yếu không bao giờ làm chúng ta thất bại. Nếu muốn yên tĩnh hơn trong cuộc sống: hãy làm những gì cần thiết. Nếu chúng ta muốn kinh doanh : hãy làm những gì cần thiết, và loại bỏ mọi thứ không liên quan. Đối với tôi, tôi viết ra các nhiệm vụ cho ngày hôm nay vào đêm hôm trước. Những nhiệm vụ này có thể là viết kịch bản, mua sắm đồ tạp hóa hoặc bất kỳ hoạt động nào khác ngoài việc nằm ườn trên sofa. Điều này cho tôi sự tập trung; ngay cả trước khi tôi đi ngủ. Đặt mục tiêu rõ ràng về những gì tôi cần làm vào ngày hôm sau giúp tôi ngủ ngon hơn. Nó cũng bảo vệ tôi khỏi phải làm những thứ không cần thiết, bởi vì nhiệm vụ của tôi đã được xác định rất rõ ràng.

(4) Thay đổi nhận thức của bạn.

Khó khăn là một phần của cuộc sống. Khi chúng ta cố đạt được điều gì đó, hãy mong đợi sự kháng cự. Marcus Aurelius đã trải qua nhiều thất bại trong thời gian trị vì xứ La Mã: bệnh dịch, sự phản bội ... vợ ông Faustina đã cắm sừng ông, qua lại với Cassius, thống đốc Syria, khi Marcus bị bệnh. Nhưng với tư cách là nhà Stoic, Marcus Aurelius vẫn đứng vững, chấp nhận những sự kiện này như một phần của tự nhiên và, do đó, vượt quá tầm kiểm soát của ông. Việc chúng ta có bị tổn hại bởi khó khăn, không tùy thuộc vào chính vận xui đó, mà vào cách chúng ta nhìn vào nó. Vì vậy, nó là một vấn đề về nhận thức.

"Cảm thấy không bị tổn hại và bạn sẽ thấy mình không bị tổn hại. Đừng cảm thấy bị tổn thương, và bạn có bị tổn thương đâu"

Lời khuyên của Marcus, nghe có vẻ hơi đơn giản, nhưng nó thực sự là nền tảng của một phương pháp phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong tâm lý học, được gọi là "liệu pháp hành vi nhận thức - cognitive behavioral therapy". Liệu pháp này dựa trên ý tưởng rằng cảm xúc bắt nguồn từ suy nghĩ. Vì vậy, gốc rễ của cảm xúc không phải từ một sự kiện, mà từ suy nghĩ của chúng ta về sự kiện đó. Nếu phát triển tính trung lập đối với điều mà chúng ta không mong muốn thay vì có ác cảm, chúng ta sẽ không cảm thấy bị tổn thương khi phải chịu đựng điều đó. Và nếu chúng ta không cảm thấy bị tổn thương, thì chúng ta sẽ thấy mình không bị tổn thương. Biết được điều này sẽ làm cho chúng ta kiên cường hơn trên con đường thành công, bởi vì chúng ta dễ dàng chấp nhận những thất bại hơn và tiếp tục bất chấp chúng hơn.

(5) Theo đường lối của tự nhiên.

Bài giảng cuối cùng hơi giống với bài thứ ba nhưng về cơ bản là khác nhau. Lời dạy thứ ba là "làm những gì cần thiết", có nghĩa chúng ta chỉ làm những việc cần thiết. Theo cách của tự nhiên, có nghĩa là đi theo con đường ngắn nhất và dễ nhất. Ý tưởng này cũng phổ biến trong Đạo giáo (Taoism); một triết lý phương Đông coi trọng con đường ít kháng cự nhất VD như đừng bơi ngược dòng sông. Vì vậy, làm thế nào để làm theo cách tự nhiên?

"Đi theo con đường ngắn nhất, con đường mà thiên nhiên đã lên kế hoạch - để nói và hành động theo cách lành mạnh nhất. Làm điều đó, và thoát khỏi đau đớn và căng thẳng, thoát khỏi sự tính toán và giả vờ"

Tôi thừa nhận lời khuyên của Marcus hơi mơ hồ. Mặc dù, xem xét mục tiêu cuối cùng của Stoic, ông hướng đến việc sống có đạo đức, do đó, phù hợp với các đức hạnh của Stoic. Tuy nhiên, trong quyển sách "Thiền Định" thứ hai, ông nói rằng hãy xem xét bản chất của thế giới, bản chất của chính chúng ta và cách chúng ta liên quan đến thế giới. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi:

Điểm mạnh của tôi là gì? Điểm yếu của tôi là gì? Những hoạt động phù hợp nhất với tôi? Bằng cách nào tôi có thể đóng góp cho thế giới, phù hợp với bản chất của tôi? Tôi có thực hiện tốt hơn khi đơn thương độc mã? Hay tôi làm việc tốt hơn với một nhóm ? vv...

Bằng cách tôn trọng bản chất của chính chúng ta, tôn trọng chính bản thân mình với tư cách là con người và cá nhân, chúng ta có thể khám phá con đường ngắn nhất và dễ nhất dẫn đến thành công. Không có bộ tiêu chí cố định nào để xác định việc theo đúng bản chất, chúng ta phải tự tìm ra những gì phù hợp cho chính mình.

Có một khía cạnh ý thức hệ và đạo đức cho vấn đề này. Từ quan điểm khắc kỷ, thành công của chúng ta phải là một đóng góp cho nhân loại. Một người có thể là một kẻ buôn ma túy thành công trót lọt, nhưng từ quan điểm đạo đức, thành công của người này là một bi kịch đối với nhân tính. Ngoài ra, đó còn là bi kịch với chính bản thân người này vì "cái nghề" này gắn liền với sự căng thẳng, tính toán, giả vờ và nguy cơ bạo lực nhân danh lòng tham. Là một người Stoic, rất cần thiết để xem xét liệu thành công cá nhân có mang lại lợi ích gì cho thế giới. Nếu nó gây hại cho đời, thì đó chẳng phải thành công. Như Marcus tuyên bố:

"Thành phố và tiểu bang của tôi là Rome - cũng như Antoninus. Nhưng với một con người? Thế giới. Vì vậy, đối với tôi, "tôt đẹp" chỉ có nghĩa là những gì tốt đẹp cho cả hai cộng đồng".

Nguồn : Einzelgänger


5/7/20

KHỞI NGHIỆP CAFE

Ngành F&B là một ngành chiếm thị trường lớn, mỗi ngày có rất nhiều quán ăn, quán cafe mở ra và đóng lại. Rất buồn đây là một ngành kinh doanh mang lại giá trị lợi nhuận cao, cũng như tạo ra nhiều thời gian rảnh hơn cho người chủ, tuy nhiên việc sống sót và duy trì 1 quán cafe để đi vào hoạt động ổn định lại không phải là điều dễ dàng.

1991 COFFEE, chúng tôi xuất thân là một đội ngũ Kiến trúc sư yêu nghề, việc thiết kế và tư vấn cho các khách hàng của mình để mang lại lợi nhuận tốt nhất cho họ từ những thiết kế của chúng tôi là điều chúng tôi luôn trăn trở. Tương tự như tất cả mọi công trình khác từ Nhà ở, Chung cư, Khách sạn, Homestay, Quán cafe, Nhà hàng... Quan điểm làm nghề của chúng tôi là: hãy luôn đặt mình vào vị trí khách hàng, để thực sự hiểu họ, hiểu những mong muốn của họ, để mang lại những giá trị tối ưu nhất... Để làm được việc đó, chúng tôi không thể chỉ đứng ngoài quan sát và rồi áp đặt cho khách hàng của mình những kiến thức chủ quan và non nớt của mình được. Chính vì lẽ đó chúng tôi đã xây dựng nên 1991 COFFEE, bắt tay vào thử nghiệm ngành kinh doanh F&B này, không chỉ đơn thuần là thiết kế thẩm mỹ, hay Gu nữa, tất cả mọi công đoạn được chúng tôi viết lên và tính toán thành bản kế hoạch tỉ mỉ và chi tiết, các hạng mục cần thực hiện từ khâu tìm kiếm mặt bằng, cải tạo mặt bằng, nghiên cứu đối thủ xung quanh, nghiên cứu khách hàng mục tiêu, định hướng mô hình kinh doanh, setup quầy bar và menu, xây dựng quy trình cho nhân viên... và thực tế đã chứng minh, quán cafe được hình thành đúng theo kế hoạch lập ra, tối ưu được 1/2 chi phí so với các quán khác mở ra do họ không có một bản kế hoạch chi tiết, giảm thiểu các rủi ro của quán xuống mức thấp nhất.

Trong kinh doanh, tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất, nếu khởi nghiệp chỉ có mỗi tiền, khả năng mất tiền là rất lớn, nếu khởi nghiệp có kinh nghiệm, rủi ro được giảm xuống và kiểm soát ở mức an toàn, lượng vốn đầu tư cũng được tối ưu mức thấp nhất. Thời gian và kinh nghiệm là những thứ quý giá nhất, chẳng ai đủ thời gian để có thể giỏi tất cả mọi thứ, hãy để việc kinh doanh của bạn được phát triển một cách tốt nhất, và dành thời gian nhiều hơn cho người thân yêu của bạn.

<Duy Thanh> 

 

5/5/20

MỘT SỐ LÝ DO CHÚNG TA NÊN ĐỌC SÁCH

1. Có những nơi đôi mắt không thể đến được, nhưng con chữ thì có thể.

2. "Tôi đã từng đọc rất nhiều sách, nhưng rồi sau đó, phần lớn đều đã bị tôi quên hết, vậy việc đọc còn có ý nghĩa gì nữa?" "Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã được ăn rất nhiều món ăn, hiện tại tôi không nhớ nổi mình đã từng được ăn những gì, nhưng tôi có thể khẳng định, một phần trong chúng đã biến thành xương cốt và máu thịt của tôi."

3. Đọc sách là cách thức gia tăng giá trị bản thân có phí tổn thấp nhất trên thế giới.

4. Học thêm một chút kiến thức, sẽ ít đi một câu xin xỏ, nhờ vả người khác.

5. Đừng dùng sách giáo khoa để có cái nhìn khái quát về sách, sau đó cho ra đánh giá đọc sách không có ích lợi gì.

6. Học Y, sách đã đọc qua chất cao như núi: Bệnh lý, dược lý, hệ miễn dịch, giải phẫu, ký sinh trùng, nội, ngoại, sản, nhi... Chỉ hy vọng sau này có thể cứu được nhiều sinh mệnh hơn.

7. Tôi không thể khiến ngôn ngữ của tôi chỉ gói gọn trong đống ngôn ngữ mạng kiểu "đắng lòng", "nhất vịnh Bắc Bộ"... Tôi muốn tôi có thể nói những câu nói tinh tế mà hòa nhã, thể hiện được độ từng trải cuộc đời, biết thưởng thức cuộc sống...

8. Để tương lai, thay vì mệt mỏi nói về nào những cơm, áo, gạo tiền, dầu, muối, xăng, xe với người yêu bạn, bạn còn có thể nói về cầm, kì, thi, họa, rượu, hoa..

9. Trong khí chất, phong độ hiện tại của bạn có cất giấu những cuốn sách mà bạn từng đọc.

10. Giúp bạn hiểu được tầm nhìn, suy nghĩ của bạn trước kia hạn hẹp tới cỡ nào.

11. Có một ông lão ngày nào cũng đọc sách, cháu ông thắc mắc ngày nào ông cũng đọc như vậy thì có thu về được gì không. Người ông bảo cậu bé mỗi ngày hãy xách chiếc giỏ trúc đựng than trong nhà ra suốt múc nước về. Cậu bé nghe lời, ngày nào cũng đi, nhưng về đến nhà thì trong giỏ cũng không còn chút nước nào nữa. Người cháu nóng nảy, hỏi tại sao phải làm như vậy. Người ông hiền từ chậm rãi đáp lại: "Cháu xem, giỏ trúc múc nước cuối cùng lại không lấy được chút nước nào, nhưng cái giỏ trúc thì đã sạch rồi. Đọc sách nhiều, tuy có thể không nhớ được bao nhiêu, nhưng ít nhất cháu đã trở nên khác xưa."

12. Học hành là một việc mà nếu ngày trẻ bạn không làm, khi về già bạn chắc chắn sẽ hối hận. Không có trường hợp ngoại lệ.

13. Gia tăng bề rộng và chiều sâu của tâm hồn mới có thể có được một nội tâm an bình, không run sợ trước biến cố giữa cuộc sống gập ghềnh nhiều khó khăn này.

14. Ngoại hình và đầu óc, ít nhất thì cũng phải có một cái chứ.

15. Tôi không muốn buổi họp lớp 10 năm sau, tôi phải nhìn sắc mặt ai mà nịnh nọt rồi gượng cười. Tôi không muốn thấy cảnh ngắm trúng món đồ nào đó vừa ý lại vì băn khoăn cho cái ví tiền của mình mà từ bỏ. Tôi không muốn khi ở bên người tôi yêu nhất, người ngoài nhìn vào không chúc phúc lại đủ lời đàm tiếu. Tôi lại càng không muốn khi cha mẹ tôi già đi, tôi lại không cho họ được một tuổi già nhàn nhã và an hưởng.

16. Số trang sách ngày hôm nay bạn lật, chính là số tiền mà ngày mai bạn đếm.

17. Bạn nghịch điện thoại, máy tính cả ngày, ngay lúc ấy bạn sẽ cảm thấy rất thỏa mãn, tuy nhiên, ngày hôm sau khi nhớ lại, bạn sẽ cảm thấy ngày hôm qua của bạn thật vô vị và phí phạm. Nhưng nếu ngày hôm qua bạn đọc sách, ngày hôm sau khi hồi tưởng lại, bạn sẽ thấy mình đã có một trải nghiệm thật phong phú và hạnh phúc.

18. Đọc sách nhiều hơn để có nhiều chủ đề hơn khi nói chuyện cùng người bạn thích.

19. Có thể nó không có quá nhiều tác dụng về phương diện vật chất, nhưng dần dần bạn sẽ phát hiện ra, đọc ít là không ổn, vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến quan niệm, tư tưởng, thái độ, cách nhìn đối với sự vật, hiện tượng.

20. Đừng để khi người ta vui vẻ, hào hứng nói với bạn về Mishima Yukio, Fitzgerald, Maugham... mà bạn chỉ ngồi bên, mặt nghệt ra và miệng ngáp dài.

<sưu tầm>



 

5/4/20

MAKE "KHƯƠNG GIA" GREAT AGAIN

Hôm rồi, trên cùng một chuyến xe, tôi đón anh cả ở sân bay Nội bài, từ Sài Gòn về quê, đây có lẽ là lần đầu tiên, từ nhỏ đến lớn, 3 anh em trai có dịp ngồi cùng nhau trên một chuyến xe. Dọc đường đi, trong cuộc nói chuyện có nói về cuộc sống, chuyện anh em, chuyện gia đình, có hỏi thăm họ hàng gần xa, rồi nhắc đến chuyện Nhà thờ Họ - đây cũng là điều mà tôi luôn đau đáu và tự hỏi. Việc xây dựng Nhà thờ Họ cho một dòng họ có cần thiết không? Xây để giống mọi người, để thể hiện uy nghi dòng họ, để bằng chòm xóm láng giềng, bằng làng bắng nước hay có ý nghĩa gì từ những việc này?
.
Xét về một khía cạnh nhỏ hơn, khi đi làm nhà, thiết kế nhà cho khách hàng, câu hỏi mà họ thường hỏi tôi và băn khoăn nhiều nhất đó là: "Bàn thờ Tổ tiên đặt ở vị trí nào, quay về hướng nào là tốt nhất, là phúc nhất, là có lộc nhất?"... Thật là lạ, có nhà thì họ quan niệm Bàn thờ phải đặt ở phòng khách, có nhà thì Bàn thờ phải đặt ở tầng tum trên cùng cao nhất, và trên đó không được đặt bất cứ thứ gì đè lên; có nhà thì xem thầy phong thủy bảo bàn thờ phải đặt hướng tuổi chủ nhà, có nhà thì thầy sư bảo bàn thờ phải quay hướng Tây, có nhà thì thầy cúng bảo bàn thờ phải nằm đằng trước và cùng hướng với hướng nhà; thậm chí có nhà xem vài thầy nhưng mỗi thầy phán một kiểu...

Việc chúng ta cãi nhau xem đặt thế nào mới đúng, giống như việc chúng ta tìm cách chữa bệnh sốt vậy. Trong khi đó, Sốt là triệu chứng biểu hiện của cơ thể chứ không phải là căn bệnh, phải tìm ra nguyên do gốc gác gây ra căn bệnh và chữa trị mới đúng! Đặt Bàn thờ ở đâu, Xây dựng Nhà thờ Họ hay không, Xây dựng Lăng mộ như thế nào, không quan trọng bằng việc hiểu ra mục đích, ý nghĩa của những việc này.
-----------------------
TRƯỚC HẾT CẦN BIẾT RẰNG:

Xây dựng Nhà thờ Họ, xây dựng khu thờ tự Lăng mộ, tìm thế đất tốt, thu khí trấn trạch là điều mà bất kỳ dòng họ Việt Nam nào cũng muốn, với mong ước gia đình, con cháu, dòng tộc bình an và phát triển thịnh vượng. Các cụ xưa kia đã dạy rằng: "Uống nước nhớ nguồn!", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây!". Cội rễ, gốc gác với nhiều người Việt Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. Cùng với gốc đa, giếng nước, sân đình, những hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam, cội rễ với đa phần người Việt còn là sự gắn kết và tiếp nối của bao thế hệ qua những bộ gia phả, Nhà thờ Họ.

Nhà thờ Họ là nơi sum vầy của dòng tộc, nơi tìm về của con cháu các thế hệ sau, Nhà thờ họ cũng là nơi lưu giữ gia phả, văn tự cổ cùng những sắc phong, tượng thờ, bài vị cùng những điển tích về dòng họ, là nơi lưu giữ những di vật của tổ tiên. Đây có thể được coi như một bảo tàng thu nhỏ của dòng họ bởi nó chứa đựng rất nhiều thông tin về dòng họ. Nội thất bên trong nhà thờ được sắp đặt trang nghiêm, có thứ tự rõ ràng và sự sắp sếp có chủ ý thể hiện những thông tin về gia đình, dòng họ được sắp xếp một cách chu đáo, đầy đủ để con cháu trong họ cũng như người ngoại tộc có thể hiểu khá tường tận về lịch sử của dòng họ cùng những con người, những danh nhân của dòng họ.
Nhà thờ họ được coi như điểm hội tụ, thờ cúng tổ tiên, ông bà, những người anh hùng, những danh nhân, những người có công với đất nước, làm lưu danh dòng họ trong sử sách của đất nước, của dân tộc. Nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới tâm linh của những người con trong dòng họ bởi đó là nơi giúp họ nhớ lại những đỉnh cao vinh quang của dòng họ, những tấm gương sáng của tổ tiên và đồng thời những ước vọng của mỗi còn người trong dòng họ được nguyện cầu tại đây.

Xây dựng Nhà thờ họ là một việc làm có nhiều ưu điểm. Đây là một hành động hướng về cội nguồn. Chúng ta biết rằng hạt nhân của xã hội là gia đình. Một dòng họ có nhiều gia đình, nhiều dòng họ hợp thành xã hội. Một xã hội tốt đẹp phải bắt nguồn từ những gia đình tốt đẹp, từ những dòng họ tốt đẹp.

NHƯNG:

Mỗi gia đình mỗi dòng họ được cấu thành từ mỗi cá nhân chúng ta, chúng ta là giọt nước cũng chính là dòng thác - là sự phản ánh của chính gia đình và dòng họ của mình.

Một cơ thể khỏe mạnh chỉ khi tất cả các bộ phận và cơ quan trên cơ thể đều khỏe mạnh, một dòng họ có thể ví như một cơ thể. Nếu một cánh tay đau, hoặc một cái chân tật, hay cái dạ dày viêm loét lâu năm... liệu cơ thể đó có khỏe mạnh, phát triển bình thường được hay không? Với một cơ thể đang đau ốm bệnh tật việc quan trọng là chữa trị cho nó hay là khoác lên mình chiếc áo thật đẹp để quên đi việc mình đang bị ốm? Chúng ta thường nghe và nhắc đến "TẦM LONG ĐIỂM HUYỆT", tìm những vị thế đất đắc địa để làm hưng thịnh cho mình, cho gia đình, dòng họ... LONG MẠCH trong sách cổ nhắc đến ở đây là gì? Có phải một vùng đất tốt phát KHÍ hay không? Hay liệu rằng đó là chính chúng ta, LONG MẠCH trong dòng tộc liệu rằng có phải là những con người trong dòng tộc đó? Là Ông, là Bác, là Cô là Chú, là Anh, là tôi. KHÍ liệu rằng có phải chính là bản thân chúng ta? KHÍ tốt thì thịnh, KHÍ hư thì suy?

Hỏi đâu xa vời mà quên mất nơi đây. Cứ nhìn vào các con người trong dòng tộc đó biết ngay tương lai dòng tộc; một gia tộc đoàn kết, thương yêu lẫn nhau, có lòng biết ơn thì gia tộc đó bền chặt và phát triển; ngược lại một gia tộc chia rẽ, phân tách, lủng củng, chỉ trích, trách móc, đổ lỗi lẫn nhau thì gia tộc đó sẽ ra sao? Để cơ thể khỏe mạnh thì tất cả các bộ phận trên cơ thể phải khỏe mạnh. Để một dòng họ phát triển thì tất cả thành viên phải đồng lòng và đoàn kết, tu dưỡng để làm tấm gương cho con cháu noi theo. Việc xây dựng Nhà thờ Họ là tốt, để con cháu có nơi sum vầy, tìm về Nguồn cội, tuy nhiên việc tu dưỡng chính mình, rồi quan tâm, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau quan trọng hơn là việc tranh cãi về xây cái gì, ở đâu, bao giờ. Chẳng thế mà cổ nhân mới gợi ý: "Tiên tích đức, hậu tầm long."

CÂN BẰNG VÀ HÀI HÒA

Giáo dục trong dòng họ là một nhân tố cực kỳ quan trọng. Để phát triển mỗi dòng họ, chính là sự tu dưỡng và phát triển của chính bản thân chúng ta, bản thân có tốt lên từng ngày thì dòng họ mới hưng thịnh từng ngày được, đó mới là điều quan trọng và tiên quyết. Chúng ta phải biết tự tu dưỡng, biết cách giúp chính mình thì mới biết cách để giúp người khác.

Tôi từng đọc được ở đâu đó một đoạn như thế này:

Trong khu mộ tại nhà thờ Westminster, London, Anh quốc, giữa những tấm bia mộ của nhiều nhà lãnh đạo và những người nổi tiếng thế giới, có một tấm bia mộ đặc biệt ghi lại vài lời tâm sự khi sắp lìa đời. Có người cho rằng đó là một bài học cuộc sống sâu sắc, có người lại nói đó là một nhân cách hướng nội, cũng có người lại liên tưởng tới triết lý “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Nho giáo – thay đổi chính mình để thay đổi thế giới – nổi tiếng của phương Đông.

“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.

Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi. Nhưng cũng như vậy, dường như đất nước không thể thay đổi được.

Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi. Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể.

Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:

Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước.

Và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”


---

Người phương Đông xưa cho rằng “tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ không ngừng chảy xuống có thể làm mòn tảng đá, mồi lửa nhỏ cũng đủ để đốt cháy cả cánh đồng, việc nhỏ không nhịn sẽ làm loạn chí lớn, mỗi ngày một việc tốt đủ để kết nhiều thiện duyên. Bất cứ “đại thiện” nào cũng cần tích lũy từ “tiểu thiện” mà thành. Không ai có thể một bước trở thành anh hùng, hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Chính vì thế con người muốn thay đổi thế giới thì trước hết phải thay đổi chính mình, phải bắt đầu từ việc tu thân, sau đó mới đến tề gia, trị quốc, rồi mới bình thiên hạ được.

Bởi thế, Nho giáo khi viết về chuyện “tu thân” thì đặt nó xếp sau “Cách vật, Trí tri, Thành ý, Chính tâm”.

“Cách vật”“Trí tri” có ý là tìm tòi nguyên lý của sự vật để hiểu biết đến tận cùng, hiểu sâu sắc.

“Thành ý” nghĩa là không tự lừa dối mình, khi sống với người khác phải như thế, nhưng khi sống một mình cũng phải như thế, nội tâm phải như thế mà biểu hiện ra bên ngoài cũng phải như thế.

“Chính tâm” là dạy người ta đề phòng dục vọng cá nhân, khắc chế những điều xấu, luôn giữ vững lương tri và chuẩn tắc làm người.

“Tu thân”, kỳ thực có ý là tu dưỡng, sửa đổi, nghiêm khắc với lời nói và hành vi của mình.

“Tu kỷ dĩ kính, tu kỷ dĩ an nhân, tu kỷ dĩ an bách tính”, một người có thể tu chính mình thì sẽ có được sự tôn trọng của người khác, lại có thể mang lại sự bình an cho người khác và cho mọi chúng sinh trên mặt đất này.

<Duy Thanh>
1h09 04/05/2020






5/3/20

KHÔNG CẦN QUÁ HÒA ĐỒNG

Có lúc không phải là bạn không hòa đồng, mà đơn giản chỉ là bạn chưa tìm thấy những người thực sự phù hợp với mình.

Làm người không nên quá hòa đồng, bởi vì muốn hòa nhập với mọi người mà phải gò ép bản thân thì chẳng khác gì “gọt chân cho vừa giầy”, nhất định sẽ chẳng dài lâu. Nếu cứ quá gò ép, ngày tháng rộng dài bạn sẽ tự nhiên quên đi con người thật của chính bản thân mình, chẳng còn chính kiến, chẳng có nguyên tắc, trở thành một “người vô hình” trong đám đông đó.

Làm người không nên quá hòa đồng, so với làm vừa lòng người khác chi bằng hãy làm tốt chính bản thân mình. Bạn bè cũng chỉ là bạn bè mà thôi, đời này ai cũng phải tự mình sống, thực lực bản thân sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn.

Hãy làm một người không dễ gần, không cần quá hòa đồng, hãy có lý tưởng và quan điểm của chính bạn. Đối mặt với chuyện đại sự có thể nói lên quan điểm, biết được mình muốn gì mà không cần chuyện gì cũng phải đi hỏi ý kiến bạn bè, năng lực suy đoán sẽ chẳng thể bị  mất đi.

Không cần quá hòa đồng, hãy biết cách tự đứng lên, tích lũy năng lực của bản thân trong cô đ.ộc, khẳng định cái “chất” của bản thân. Cuộc sống này rất ngắn, hà cớ gì bạn phải làm tổn thương bản thân để đón nhận người khác. Đường đời lại rất dài, sẽ chẳng có ai có thể đi cùng bạn đến cuối con đường, con đường dài nhất ấy vẫn cần bạn tự mình bước tiếp.

(Sưu tầm)