9/29/20

NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC

Một ngôi nhà ĐẸP không phải là một ngôi nhà to đùng, hoành tráng, khiến nhiều người trầm trồ, khen ngợi và ghen tị.

Một ngôi nhà ĐẸP là một ngôi nhà có "hồn", nơi đó ấm áp, có sự che chở, có tình thương yêu, có lòng bao dung và vị tha, là nơi để mỗi người chúng ta tìm về sau những mệt mỏi hàng ngày và sóng gió ngoài xã hội.

Chúng ta đang tìm gì ở xã hội ngoài kia? Tình yêu thương và sự an bình? Sự công nhận? Lời khen? Tiếng vỗ tay trầm trồ? Hay một chút đố kỵ và ganh ghét? Phải rồi, tạo hóa tạo ra cho chúng ta một bản năng để sinh tồn, đó là bản năng mưu cầu Hạnh phúc, mưu cầu Niềm vui, mưu cầu và thỏa mãn vật chất, để vươn lên bằng và hơn người khác. Điều đó không sai, vì đó là bản năng! Nhưng ngay cả khi chúng ta đủ ăn đủ mặc, bản năng vẫn không dừng lại, đó chính là vấn đề làm chúng ta không ngừng rơi vào vòng xoáy quay cuồng của Lòng tham, Đố kỵ và Đau khổ.

Thuở hàn vi, chúng ta mưu cầu một cuộc sống ngày đủ ăn 2 bữa, không cần quá no. Khi đủ ăn rồi chúng ta lại cần ăn phải ngon, mặc phải đẹp. Chúng ta cũng cần những "tấm huy chương" từ con cái và những người thân. Chúng ta cũng muốn sống trong một ngôi nhà to lớn và hoành tráng. Trong thâm tâm chúng ta có một tiếng nói luôn gào thét muốn khẳng định cho xã hội ngoài kia biết rằng "Nhìn đi, nhìn vào những gì tao đạt được đi!"

Đáng buồn thay, những thứ đó chẳng khiến ta Hạnh phúc. Thứ "Hạnh phúc" mà chúng ta vẫn nghĩ và mưu cầu, dường như chỉ là những phản ứng sinh hóa ngắn ngủi của cơ thể trong một khoảnh khắc. Khi chúng ta đạt được mục đích A -> chúng ta thỏa mãn, rồi chúng ta lại muốn mục đích B hơn nữa -> chúng ta thỏa mãn, chúng ta lại đi tìm mục đích C... rồi D, E, F... bảng chữ cái thì kết thúc ở Z, còn lòng tham của chúng ta dường như lại không có điểm dừng... Khi chúng ta đói chúng ta cứ nghĩ rằng có bữa cơm no là hạnh phúc rồi, khi chúng ta nghèo chúng ta nghĩ thoát nghèo là hạnh phúc rồi, khi con cái chúng ta thiếu thốn chúng ta nghĩ lo cho chúng đủ ăn học là tốt rồi, khi chúng ta là sinh viên chúng ta mơ về một ngày nào đó ra trường và kiếm được công ăn việc làm là đã hơn rất nhiều người rồi, khi chúng ta sống chật vật trong căn nhà trọ cấp 4 diện tích 10m2 bao gồm cả bếp nấu - giữa năm 2015 vẫn phải xách nước từ giếng để đi tắm và dội nhà xí - khi đó chúng ta chỉ mơ có một không gian riêng của đời mình là hạnh phúc rồi, khi chúng ta có mọi thứ mà lúc khổ cực chúng ta mơ chúng ta lại cần thêm xe đẹp rồi vợ xinh rồi là ông nọ bà kia... Thử hỏi chúng ta đã thực sự được sống một giây phút nào ở hiện tại này chưa? Chẳng phải hiện tại này là Sự đẹp đẽ vô cùng mà chúng ta đã từng rất khao khát, ước mong, và tự hào ở trong quá khứ hay sao? Khi mệt mỏi hãy thả lỏng người, nằm nhẹ nhàng xuống chiếc ghế, nhấm nháp ly trà nóng và cảm nhận cuộc sống này đi.

Những năm 2014, 2015, khi mới ra trường với đồng lương còm cõi, tôi sống chật vật với bữa ăn từng ngày. Có những hôm, vào những buổi trưa tan ca, khi tất cả mọi người trong cơ quan rủ nhau đi ăn, tôi một mình về nhà trong căn phòng trọ tối tăm đã cũ nát, bữa ăn chỉ duy nhất là bát cơm trắng rưới nước mắm, chan tạm bát canh dầm 1 quả sấu còn sót lại trong tủ lạnh - bát cơm chan canh cùng nước mắt. 

Tôi từng khao khát mình phải mạnh mẽ  để cố gắng vượt qua mọi nỗi đau, mọi khó khăn để vươn lên, để một ngày nào đó có những bữa cơm đủ đầy và ngon lành... Trải qua nhiều cái đích A, B, C, D... qua nhiều thử thách, biến cố và thăng trầm, tôi mới nhận ra rằng điều tôi muốn không phải là những bữa cơm ngập ngụa rượu thịt, không phải là nhà to xe đẹp, không phải là mọi thứ lóng lánh xa hoa ngoài kia. Thật kỳ lạ, tôi lại thèm bữa cơm rưới nước mắm, chan bát canh sấu chua, trong ngôi nhà nhỏ mà ở đó mọi người dành cho nhau sự ấm áp và tình yêu thương, lúc này có lẽ tôi sẽ lại rơi nước mắt - nhưng đó là giọt nước mắt của Hạnh phúc - Hạnh phúc đích thực.

<Duy Thanh> 

Gửi những người thân yêu.

 



9/24/20

XÌ TRÉT TỐT VÀ XÌ TRÉT XẤU

Chồng của bạn tôi đến thời bụng bia, nên quyết định mua xe đạp để tập thể dục cùng lũ bạn. Anh mua một chiếc xe rất đẹp, không những vừa ý mà còn vừa túi tiền. Sau buổi tập đầu tiên trở về nhà, anh cau có dấm dứt nhét cái xe vào một xó. Kinh khủng hơn, anh thề không quay lại với nhóm tập đạp xe nữa. Lý do: xe của anh gần như "lởm" nhất hội.


1. CỘI NGUỒN CỦA BẤT HẠNH
       Trong khoá học về hạnh phúc của ĐH Yale giảng bởi Giáo sư Laurie Santos, bà giải thích cho việc tại sao chúng ta, dù ngày càng giàu có lên, yên ổn hơn, khoẻ mạnh hơn, nhưng niềm đau khổ thì vẫn dường như vô tận. Lý do lớn nhất chính là vì ta luôn bị áp lực phải so sánh cuộc đời mình với những kẻ xung quanh (social comparison).
      Giáo sư Santos bắt đầu với một tấm ảnh chụp ba người chiến thắng trong thế vận hội Olympic. Kẻ có nụ cười gượng gạo nhất không phải là nhân vật dành huy chương đồng, mà là kẻ nhận huy chương bạc. Huy chương đồng so sánh mình với kẻ về đích thứ tư trắng tay nên niềm hạnh phúc là vô bờ bến. Huy chương bạc so sánh mình với kẻ về nhất, để rồi tiếc hùi hụi và tự trách móc bản thân.
Ta là ai không quan trọng, quan trọng là ta bị so sánh với ai.


Hình tròn to hay bé không quan trọng, quan trọng là nó bị vây quanh bởi những hình tròn to hay bé.

 
       Những ví dụ bà Santos đưa ra vô cùng sinh động. Về công việc chẳng hạn, bạn sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn nếu làm trong một công ty không có quá nhiều sự khác biệt về thu nhập. Tương tự, trong một quốc gia, chỉ số chênh lệch giàu nghèo GINI thường tỷ lệ với hạnh phúc, càng chênh lệch dân chúng càng dễ cau có. Có một quan chức ở Việt Nam từng nói là dân mình nghèo nhưng hạnh phúc. Chính xác hơn, câu nói ấy phải là, CẢ NƯỚC cùng giàu hoặc nghèo thì dân mới hạnh phúc.
Các căn bệnh tâm lý và miễn dịch cũng dễ có tần số cao hơn ở người thu nhập thấp, không phải vì họ sống buông thả hơn, hay vì họ không có bảo hiểm y tế. Một trong những lý do sâu xa của những căn bệnh này là do rất nhiều trong số họ phải sống trong một môi trường giàu nghèo quá cách biệt. Sức khoẻ của họ suy sụp không phải vì họ nghèo, mà là vì họ CẢM THẤY nghèo.
        Sự giàu sang, xinh đẹp, toàn mỹ nếu ở xa xa thì chả ai chấp. Nhưng nếu nó ở gần ngay bên cạnh, với áp lực con số đập vào mặt mỗi ngày, thì đó chính là kho hạt nhân kích hoạt bộ não nổ tung vì ghen tị, thua thiệt, bất công. Ở Hà Lan có một chương trình xổ số mà kẻ trúng giải có ngay một cái ô tô đỗ trước nhà. Nghiên cứu chỉ ra là cái nhà bên cạnh, do ảnh hưởng của cái ô tô ngay trước cổng, nên có tỷ lệ đi mua ngay xe mới cao gấp đôi các nhà không phải hàng xóm. Thú vị hơn, một nghiên cứu khác tính ra rằng cứ mỗi giờ xem TV thì chúng ta sẽ chi tiền mạnh tay hơn trong việc mua sắm (ở Mỹ năm 1999 con số này là 4 đô/giờ).
         Xem TV hay lướt face là cách nhanh nhất để chúng ta so sánh đời mình với đời thiên hạ. Càng dán mặt vào màn hình càng thấy mình tệ hại. Phụ nữ đánh giá bản thân xấu xí hơn chỉ sau vài phút lướt qua các trang tạp chí mốt (2.36 giảm còn 2.07).
         Và khi thấy mình tệ hại xấu xí, đa số chúng ta không chỉ ngay lập tức nghĩ đến việc nâng cấp mua sắm, mà còn là tìm cách dìm kẻ khác xuống thật nhanh. Trong một nghiên cứu về vấn đề này, kết quả cho thấy những kẻ giỏi nhất ở top đầu là những kẻ mong muốn điều này nhất. Thậm chí, họ từ chối được thăng hạng để đổi lấy việc những kẻ dưới chiếu mình bị tuột hạng.
         Vậy ta có thể ngừng so sánh để an nhàn hạnh phúc được không?



Câu trả lời là: Không. 


Tạo hoá trời già kia đã tạo ra một cỗ máy sinh tồn mà không ai có thể thoát được sự so sánh mình với kẻ khác. So sánh trở thành một cơ chế tự động, thậm chí thành vô thức.
Trong một thí nghiệm, người tham gia chia thành hai nhóm với màn hình trước mặt. Trên màn hình thỉnh thoảng xuất hiện những bức ảnh chỉ kéo dài 1/10 giây, nhanh đến nỗi mắt thường không thấy, chỉ có bộ não vô thức tiếp nhận. Ở nhóm có chiếu những bức ảnh là các khuôn mặt xinh đẹp, người xem đánh giá mình xấu hơn ở nhóm có chiếu những bức ảnh người không xinh. Tương tự, khi ảnh trên màn hình là nhà bác học Einstein, người tham gia đánh giá mình kém thông minh so với nhóm có chiếu ảnh một gã hề.
Điều này có nghĩa là, dù mắt ta không nhìn thấy, nhưng trí não ta cảm thấy. Và dưới tác động của vô thức, ta vẫn cảm thấy mình bé nhỏ hèn mọn dù không thể giải thích được tại sao. Hãy tưởng tượng ta bị bịt mắt và dẫn đi lướt qua một dàn người mẫu. Bỏ khăn ra, ta tự dưng chui vào nhà xí khóc thương thân.
Đùa chút vậy, để kết luận rằng, đã chót sinh ra làm người là chấp nhận dù mình có không muốn so sánh với đời, thì đời chắc gì đã buông tha? Kể cả khi ta không chủ động so sánh thì bộ não kia cũng như một cái máy quay phim cần mẫn, ghi hết vào bộ nhớ những gì ta hơn thua cùng thiên hạ.


2. HẠNH PHÚC CÓ THẬT HAY KHÔNG?

       Như vậy, áp lực so sánh mình với thiên hạ không trừ bất cứ ai. Điểm số, bảng lương, độ hot, số lượng like, giá hàng hiệu...vv luôn là những cái bia để ta ngắm bắn. Và hầu hết là bắn trượt.
Vì sao? Vì chúng là những cái bia di động. Cái bia này bắn trúng hồng tâm (mua được nhà đẹp), thì ngay lập tức sẽ có những cái bia khác thay thế (nhà đẹp hơn, hoặc combo nhà đẹp + chó đẹp + xe đẹp + gia đình đẹp).
       Về bản chất, bộ não không hề muốn ta được hạnh phúc. So sánh là một cơ chế sinh tồn. Và không chỉ so sánh, mà còn là so sánh với kẻ đi trước, bay cao, lặn sâu, giàu có, thông minh và thành đạt hơn. Về mặt tiến hoá, đó là động lực để giống loài này liên tục phát triển, đứng dậy, khám phá, xây dựng, tìm tòi, phát minh, liên tục vượt qua những giới hạn của chính mình.
       Tạo hóa không quan tâm đến việc chúng ta có hạnh phúc hay không. Hạnh phúc không phải mục đích, nó là một công cụ phục vụ sự sinh tồn cho tổng thể giống loài. Chính vì hạnh phúc chỉ là công cụ của tạo hóa nên mới có những người tìm thấy hạnh phúc trong sự ngu muội, thần phục, cung phụng, hy sinh hoặc chết cho kẻ khác, mặc dù kẻ đó làm mình đau đớn.
       Thế nên theo đuổi hạnh phúc đôi khi giống như theo đuổi những mục tiêu hữu hạn, những khoảnh khắc đến đi trong phút chốc, những ảo tuởng của sự vĩnh viễn, những viên đường ngọt ngào mà chóng tan, những cái bia bắn trúng hồng tâm nhưng lại ngay lập tức được thay bằng một hồng tâm mới.
       Một số nghiên cứu về hạnh phúc cũng chỉ ra rằng, hạnh phúc là một "cảm giác", và nó qua rất nhanh. Kể cả những người trúng xổ số đặc biệt cũng nhanh chóng quay trở về trạng thái ban đầu.
Tiền chỉ làm ta hạnh phúc hơn khi ta rất nghèo. Đến một ngưỡng nhất định (ở Mỹ là 95.000$/ năm), kiếm thêm tiền không làm ta CẢM THẤY hạnh phúc hơn, nhưng lại khiến ta NGHĨ rằng mình sẽ hạnh phúc hơn vì ta sẽ hơn thiên hạ. Và thế là cuộc đua lại tiếp tục.


        Hạnh phúc chả khác mấy tiền bạc. Không ai biết thì nó không có giá trị. Có thì bao nhiêu cũng không đủ vì trên đời luôn có những kẻ giàu hơn. Trên đường đời, hạnh phúc như những cái cột đèn lướt qua soi sáng mặt đường. Đó là những khoảng khắc thoắt đến thoắt đi, như những trạm xăng tiếp nhiên liệu, cần, nhưng không chắc là bến đỗ cuối cùng. Công cuộc truy tìm hạnh phúc cũng vì thế mà thường thất bại, như thể so găng với cả thiên hạ, như thể đuổi theo cái bóng của chính mình.
        Như vậy, hạnh phúc có thật, nhưng chỉ là những khoảnh khắc. Đó là khi ta thi đỗ, lên lương, mua được đồ tốt, ăn một bữa ngon, cưa đổ kẻ làm ta si mê...Nhưng khoảnh khắc ấy luôn luôn trôi qua. Và niềm vui nào cũng dần dần cạn kiệt.
        Hạnh phúc về bản chất sinh học chỉ là những màn diễn ngắn ngủi của các chất hóa học (serotonin, oxytocin, dopamine, endorphins) tạo ra cảm giác hưng phấn, như các vũ công biểu diễn hết giờ là sân khấu sẽ tắt đèn. Không có một bộ óc nào chịu đựng được nếu màn trình diễn hoá học ấy kéo dài mãi mãi.
        Và đừng quên, hạnh phúc cũng thường xuất hiện khi ta so sánh, nhìn xuống để thấy không ai bằng mình. Vấn đề là, không ai có thể bước đi trong đời mà cứ luôn phải cúi đầu để thấy mình hạnh phúc.


3. XÌ TRÉT TỐT VÀ XÌ TRÉT XẤU
        Như vậy, không ai có thể thoát lưới trời của áp lực, stress và sự so sánh với thiên hạ. Hạnh phúc cũng chỉ là những khoảnh khắc rồi sẽ trôi qua. Vậy thì vui sống kiểu gì đây?
        Stress, nếu là một thực thể biết nghĩ, hẳn nó sẽ ấm ức lắm, vì hầu như ai cũng gắn stress với những điều xấu xí. Thực tế là, thiếu stress thì đời cực kỳ buồn chán. Đó là khi một loại hormone tên là cortisol ở thấp cực điểm. Nó khiến ta lờ đờ chả có động lực làm gì. Phải có stress thì đời mới có gia vị. Thế là stress xuất hiện. Và nó có hai khuôn mặt chính: eustress và distress.
         Eustress là stress tốt. Đó là khi cortisol sản sinh ở mức cao vừa đủ để ta cảm thấy hào hứng khi nghĩ đến công việc. Đó là khi mệt mỏi không làm ta nao núng.
         Mỗi khi nghĩ đến eustress, tôi thường nhớ đến một quãng đời làm báo ở Hoa Học Trò đầu những năm 2000. Khi đó, tôi đi làm cả thứ bảy chủ nhật, một mình một toà soạn, làm không cần tiền, không cần khen thưởng, không cần ai hay biết.
        Tinh thần làm việc ấy may thay được tiếp nhận bởi một cộng đồng cộng tác viên và phóng viên trẻ cùng thế hệ. Chúng tôi tạo ra bước ngoặt, đổi thay tờ báo một cách chóng mặt. Eustress là không khí tràn ngập phòng làm việc chung. Nơi ấy có sự gấp gáp bài vở, có áp lực deadline, có phê bình và chê bai, nhưng hầu như không có sự đe doạ và nỗi sợ hãi. Mỗi buổi trưa, các phòng khác đóng cửa tắt đèn đi ngủ còn phòng chúng tôi vẫn náo nhiệt ồn ào, đến tận khuya.
         Eustress là một thứ cocktail với rất nhiều háo hức và hồi hộp, một tý lo âu, một tẹo hoang mang. Đó là khi đang yêu, mới lập gia đình, mua nhà, đi du lịch, có con, tập thể dục, hay học một thứ mới mẻ.
Mỗi khi nghĩ đến distress, tôi thường nhớ đến giai đoạn cuối của thời gian làm luận án TS. Trong hai năm đầu, tôi ra liền tù tì 2 bài báo khoa học. Đến đầu năm thứ ba, GS hướng dẫn tình cờ nói rằng chưa bảo vệ mà ra bài là giỏi rồi, giờ ra được 3 bài là sẽ giỏi nhất lịch sử của khoa luôn. Sau lời sấm truyền đó, tôi ...tịt.
          Nguyên nhân kinh khủng nhất của sự tịt là tôi bắt đầu bị distress với hàng núi công việc. Nhẽ ra phải tập trung chuẩn bị bảo vệ thì tư tưởng bị phân tán bởi sự so sánh, bởi sự mong đợi, bởi sự ghen tỵ và bởi sự hoang mang làm thế nào để thành người thắng cuộc.
          Trong cuộc sống, distress giống như con ma không hình dáng. Nó ngấm dần vào ta từ từ như kẻ sát nhân mỗi ngày nhỏ một giọt thuỷ ngân vào thức ăn.
          Đó là khi động lực biến thành áp lực. Đó là khi niềm tự hào về công việc, con cái, gia đình hay tài sản trở thành gánh nặng. Đó là niềm mong mỏi bằng bạn bằng bè trở thành nỗi lo âu tỵ hiềm. Đó là khi ta lướt face, mở TV, bước ra cổng... đâu đâu cũng tràn ngập những điều nhắc nhở ta rằng: mày biết không, mày thua xa thiên hạ.
          Như vậy, áp lực tất yếu. Vấn đề chỉ là áp lực đó tạo ra eustress hay distress. Vậy ta có thể chọn eustress và tránh xa distress được không? 


Tin vui là: Có, tin buồn là: Khó.


          Khi stress bắt đầu, cortisol tăng lên như một viên trợ lý thiện nghệ giúp ta xử lý vấn đề trôi chảy. Nhưng nếu ta liên tục bắt viên trợ lý này làm việc quá sức, anh ta hay cô ta sẽ kiệt sức.
Bạn làm gì khi sếp mình vắt kiệt năng lượng và đối xử bất công như vậy? Nhẹ thì bạn bỏ việc, nặng thì bạn sang làm cho công ty đối thủ. Cortisol bao sân cả hai. Nó không những giảm sụt đáy để ta không còn năng lượng, mà còn từ bạn biến thành thù.
          Trên đồ thị ở hình vẽ, nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ cortisol, thì sự khác biệt giữa eustress và distress là điểm giao giữa vùng màu xanh và màu vàng. Hay đơn giản chỉ là: Biết điểm dừng của chính mình.
Quá sang vùng màu vàng và đỏ, cortisol biến sự say mê thành mồ chôn cho những kẻ cố quá thành quá cố. Ngược lại, ở vùng màu xanh, tỉ lệ cortisol tăng lên vừa phải, giảm xuống đúng lúc. 


          Tim nóng nhưng có đầu lạnh hãm phanh, biến áp lực trở thành động lực cho những ai biết điểm dừng: Dù yêu công việc đến mấy cũng biết có thời gian cho bản thân; dù yêu con cái đến mấy cũng để nó có cơ hội tự lập; dù sợ xã hội chê cười đến mấy cũng dũng cảm chia tay kẻ đang biến cuộc đời mình thành ngục tù; dù có tham công tiếc việc đến mấy cũng hiểu rằng đời này không mợ thì chợ vẫn đông.
          Ấy là khi kiêu hãnh không biến thành kiêu ngạo, khát vọng không thành tham vọng, và yêu thương không lỡ bước thành sở hữu.
          Biết điểm dừng cũng là khả năng xác định thái độ của ta với stress. Nếu ta biết eustress là tốt thì ta sẽ nhìn stress như một liều thuốc thần kỳ để vượt khó. Trong một nghiên cứu với các chiến sĩ đặc nhiệm Mỹ, những người cho rằng stress là tốt có thành tích vượt trội hơn hẳn những đồng nghiệp cho rằng stress là xấu.


Một trong những phương pháp ta có thể áp dụng là ba bước đơn giản:

A. Chấp nhận stress
B. Chào mừng stress
C. Biến stress thành eustress


         Ví dụ đơn giản nhất là khi ta hồi hộp lo âu trước một sự kiện quan trọng, ta có hai cách: một là tạo điều kiện cho distress, bằng cách cho rằng “ôi thôi mình sắp tỏi rồi”; hai là tự trấn an cho rằng: Cái nhịp tim đang đập thình thịch kia không-phải lo âu mà chính là sự phấn khích.
         Đời này vốn đầy áp lực. Điều mình có thể làm là biến áp lực đó thành eustress thay vì để nó distress tâm hồn mình thôi.
         Đêm nay khi lên giường nằm ngủ, hay là ta thử dành một phút để tự vấn lòng mình, rằng sự mệt mỏi trong tấm thân này là cuối cùng là eustress hay distress?

<Nguồn: Mai Nguyễn>

9/12/20

PHONG TRÀO NỮ QUYỀN HAY SỰ NGỤY BIỆN NGƯỜI RƠM MANG QUY MÔ TẬP THỂ?

Bạn đã từng nghe đến khái niệm ngụy biện người rơm bao giờ chưa? Hiểu sơ qua thì thế này: trong một cuộc tranh luận giữa 2 người A và B, người A ban đầu đưa ra quan điểm của mình. Nhưng người B lại chẳng hề nắm được nội dung thật sự của quan điểm ấy và phóng chiếu góc nhìn của mình vào, rồi tưởng rằng đó là ý mà người A đang nói. Thế là, thay vì phản biện quan điểm đang được người A nói đến thì người B lại đi phản biện cái ảo tưởng của chính mình. Đây là một lỗi tranh luận rất thường bắt gặp. Và những người quân tử thì luôn cố gắng tránh xa lỗi tư duy cơ bản này, vì nếu mắc phải, họ đã tự loại chính mình ra khỏi cuộc tranh luận ngay từ cửa đầu tiên. Vì một nguyên tắc cơ bản mà còn chưa nắm vững thì sẽ không tạo ra hiệu quả tranh luận. Người đó thậm chí không đủ thẩm quyền để được phát biểu.

Ở đây, trong ví dụ này, chúng ta sẽ thấy một vở kịch mà người B tự dựng lên và tự lồng lộn ở trong đó. Người A chỉ cần chỉ ra lỗi ngụy biện của người B là đã đủ dập tắt vở kịch tự biên tự diễn của người B, và duy trì sự tập trung vào nội dung chính mình đã nêu ra ban đầu.

Đó là trường hợp người A có hiểu biết để nhận ra sự lệch lạc trong cuộc đối thoại. Còn nếu anh ta không nhận ra trước mặt là một trò ảo giác, anh ta sẽ bị cuốn vào trong nó và tự mâu thuẫn với chính mình và không đạt được mục đích khẳng định giá trị quan điểm mà mình đã nêu.

Vậy chuyện nữ quyền thì liên quan gì đến ngụy biện người rơm? Bạn cứ hình dung như thế này. Đạo lý của Cha ông (A) từng đặt ra là: Cuộc sống là sự cân bằng và phối hợp hai thái cực âm dương. Dương là người trụ cột, lãnh đạo, thể hiện ở người đàn ông. Âm là người nương tựa, quy phục, thể hiện ở người đàn bà. Đàn ông và đàn bà thực hiện đúng bổn phận và vai trò của mình thì có được hạnh phúc cân bằng trong cuộc đời, mang lại trật tự và ổn định cho xã hội ở mọi thế hệ.

Người đời (B) nghe vậy bèn lý lẽ rằng: Đàn bà bị đàn áp, bị bạo hành, bị đau đớn. Đàn bà phải vùng lên, phải sánh ngang vai với đàn ông. Đàn bà phải đòi lại công bằng. Như vậy mới có hạnh phúc.

Bạn có thấy B đang ngụy biện kiểu người rơm ở chỗ nào không? Người A có bảo là làm tròn bổn phận âm dương thì phụ nữ bị đàn áp đâu? Thực tế là khi làm đúng bổn phận thì không ai có lý gì có thể gây sự với cô ta được, thậm chí nếu người ta có lý do gây sự thì cô ta cũng chẳng bị ảnh hưởng gì. Vì nếu cô ta không ngoi lên lanh chanh thì làm sao sinh ra sự xung khắc được? Với cả có ai bảo rằng khi thực hiện vai trò nữ tính thì đàn bà không không được trân trọng ngang ngửa với với đàn ông đâu? Chưa kể, người đàn ông chân chính thì chẳng bao giờ đi đàn áp người phụ nữ chân chính, chỉ có đàn ông rởm mới đi sinh sự với người đàn bà, và chỉ có người đàn bà rởm mới không đỡ được thử thách này. Mệnh đề của B đã vơ đũa cả nắm, đánh đồng những người kém chất lượng mặc định là tất cả đàn ông. Đây cũng là một lỗi ngụy biện nữa.

Tôi thấy rất nhiều người ngày nay rơi vào sự ngụy biện người rơm khi hùa vào phong trào bình đẳng giới, phong trào đưa người nữ “lên ngôi.” Tư duy tập thể này đẩy người phụ nữ vào vở kịch tranh chấp chức năng vị trí của người đàn ông để thấy mình có chút giá trị sau khi đã ruồng bỏ thiêng tính và sức mạnh Trời ban. Ở phong trào nữ quyền, từ “bình đẳng” là một từ đậm chất ảo giác và vô cùng phi lý mà không mấy ai nhận ra. Nói rằng đàn ông làm gì phụ nữ cũng phải được làm và làm được cũng chẳng khác gì bảo cái lạnh làm gì thì cái nóng cũng phải làm được y chang. Cái lạnh làm đóng băng mặt hồ thì cái nóng cũng có quyền được làm như vậy. Đúng, bạn có quyền. Nhưng vấn đề là câu chuyện chưa kết thúc ngay ở chuyện cái quyền. Vì để thực hiện được quyền ấy, bạn không thể tránh khỏi việc bản chất của chính mình sẽ bị biến đổi, bằng cách trở thành một cái lạnh. Hay nói cách khác, đàn bà đòi quyền bình đẳng với đàn ông, đòi làm những chuyện tương đương như đàn ông đang làm, chuyện đó cũng không ai ngăn được. Đàn bà hoàn toàn có thể làm được. Nhưng vấn đề là các bạn chẳng thoát nổi quy luật bù trừ của Tự nhiên là phải đánh đổi bản chất nữ tính của chính mình để làm được điều đó. Bạn thực hiện được cái quyền nữ ấy, thoạt nghe thì có vẻ hoành tráng đáng tán dương, nhưng trớ trêu thay lúc đó, bạn đã đánh mất bản chất của mình rồi, còn bạn có hoàn toàn trở thành đàn ông hay không thì chưa chắc. Có thể, bạn cũng chỉ dở dở ương ương chẳng ra nam cũng chẳng ra nữ, vì cơ thể người nữ của bạn vẫn ở đó. Chuyện này cũng giống như nàng tiên cá cầu xin có được đôi chân. Vậy thì nàng buộc phải chịu mất giọng hát thiên thần. Mất giọng hát ấy rồi thì đâu còn là tiên cá nữa? Nữ quyền xong xuôi mà vẫn nghĩ mình còn nữ tính thì chẳng khác nào chuyện đi về quá khứ giết ông nội mà mong rằng khi quay lại hiện tại mình vẫn còn sống. Bên cạnh ngụy biện người rơm, phong trào nữ quyền lại rơi thêm vào nghịch lý ông nội (grandfather paradox), cố gắng phủ nhận sự tồn tại của chính mình nhưng không thể.

Vậy nên, không có chuyện sau khi thành công với cuộc đấu tranh bình đẳng giới thì phụ nữ vẫn còn là phụ nữ. Thế giới lúc đó đã bị bóp méo và trở nên rối ren luẩn quẩn như ảo tưởng bình đẳng rồi. “Chúng tôi có được hạnh phúc gia đình” ư? Lại một trò ảo giác tiếp nối. Cùng dấu thì chỉ có đẩy nhau ra xa, hoặc là xung đột, cạnh tranh, bè phái, hơn thua, tính toán, đố kỵ, chia rẽ. Đây toàn là những ngưỡng năng lượng thấp trong thang đo nhận thức của con người. Nếu không muốn điều này xảy ra thì buộc người đàn ông phải bù đắp vào vai còn lại của vở tuồng, đó là thế vào chỗ trống của đàn bà, trở thành đàn bà. Thực chất, đàn ông cũng phải trở thành một thứ dở dở ương ương và méo mó tương tự như đối tác của họ. Họ không còn sức hút những người phụ nữ chân chính nữa, cũng như đàn bà cương cường không còn sức hút với người đàn ông chân chính nữa.

Nếu có một mệnh đề hợp logic thì tôi cho rằng đàn bà chỉ bình đẳng với đàn ông trong việc được làm tròn thiên chức của chính mình. Có nghĩa là đàn bà có quyền được trở thành một người đàn bà chân chính tương đương như đàn ông có quyền được trở thành một người đàn ông chân chính. Đây là sự bình đẳng mà Tạo hóa và Cha ông đã nói ngay từ ban đầu khi hướng phụ nữ và đàn ông tập trung làm tròn thiên chức của mình. Ông cha đã cổ vũ quyền tuyệt vời ấy ngay từ ban đầu mà người đời lại nghĩ mình khôn hơn, và tự tô vẽ ra một thứ bình đẳng ở phương diện lệch lạc và hùa những người xung quanh lạc lối theo, như mù dắt mù xuống hố.

Khi sống đúng với thiên tính, cả nam và nữ đều có Sức mạnh (với chữ S viết hoa). Vì nam tính và nữ tính là 2 mặt biểu lộ của Cội Nguồn Thiêng Liêng. Sự hợp nhất giữa đôi bên là chuyện hiển nhiên, và hạnh phúc cũng là hiển nhiên như quà tặng từ khi mới chào đời. Nên chuyện đòi hạnh phúc, đòi bình đẳng với phong trào nữ quyền không khác gì một vở kịch, vừa thừa thãi, vừa tốn năng lượng, vừa tai hại đến nhiều thế hệ.

Cá nhân tôi đã từng sống cương cường và đã toàn gặp phải những người đàn ông yếu ớt, hèn nhát, kém bản lĩnh, chỉ ưa dựa dẫm vào người khác. Các bạn có thể nghĩ rằng: “ôi dào, người phụ nữ mạnh mẽ thì chọn ai yêu mà chẳng được. Ngoài kia đàn ông nam tính vẫn còn đầy.” Tôi cho rằng đây là quan điểm quá ngây thơ. Trong gầm trời này, tất cả đều do Tạo Hóa se duyên, sắp đặt các cấu trúc và tần số tương đồng về cùng một thực tại, như nồi nào úp vung nấy, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Khi bạn thoái hóa, bạn cũng chỉ gặp những người cũng đang thoái hóa ở ngưỡng tương đương. Khi bạn sống tròn bổn phận, hoặc ít nhất là cố gắng sống theo Đạo lý, bạn cũng sẽ gặp được người phối ngẫu có cùng hệ giá trị với bạn. Bạn không có những thứ bạn muốn, bạn có những thứ bạn xứng.

Không chỉ chứng kiến câu chuyện ở ngay bản thân mình, tôi còn quan sát thấy rất nhiều các gia đình, cặp đôi trục trặc, đảo lộn, tan vỡ vì không biết nghe và thực hành Đạo lý. Người phụ nữ thì lấn lướt chồng, còn người chồng không biết dạy vợ, cứ để yên cho cô ta làm vậy và tưởng đó là thái bình. Thực tại người rơm sẽ diễn ra khi người chồng bắt đầu thể hiện vai trò của mình và cô vợ sẽ giãy lên và bảo rằng mình không được tôn trọng. Trong khi, cô ta không hề biết rằng việc đặt cô ta vào đúng vị trí bổn phận của mình là sự tôn trọng nhất mà một người đàn ông chân chính có thể dành cho cô.

Nên nói tóm lại, chân lý thì không cần chứng minh và không cần ai công nhận vì nó tự chứng minh bằng thành công, hạnh phúc mà nó biểu hiện trong mỗi con người, trong mỗi gia đình. Không ai bắt bạn phải nghe Đạo lý âm dương hay Tam tòng tứ đức cả vì cuộc đời là của bạn, bạn sống sao thì bạn tự chịu trách nhiệm cho nó. Mọi thông tin luôn được phơi bày, còn sự lựa chọn thế nào lại là việc của bạn.

(Nguồn: Vũ Thanh Hòa

Ảnh: Kate Hliznitsova on Unsplash)



9/7/20

NGÀY ĐẦU HỌC THUỐC NAM: CÂY HÀN THE 1 LÁ

Chào bạn của tôi, đây là chuyên mục để tôi nghiên cứu về cây Thuốc Nam - một lĩnh vực mà tôi sẽ dành tâm huyết trong thời gian tới.

Sức khỏe là thứ quý giá và quan trọng của đời người, ngoài tự biết chăm lo cho chính sức khỏe của mình, nếu hiểu về Thuốc và những cách chữa bệnh xung quanh, ta có thể giúp đỡ những người thân yêu và giúp đỡ bà con xóm giềng, đó là một trong những lý do tôi có hứng thú với Y dược. Đặc biệt là Thuốc Nam, bởi những đặc tính sau:

- Lành tính

- Phòng thân

- Thuốc của người Việt, Thầy thuốc Tuệ Tĩnh đã từng có câu sau mà tôi rất tâm đắc: "Nam dược trị Nam nhân."

- Dễ tìm, tất cả những cây cỏ xung quanh ta, nếu hiểu biết về chúng đều có thể chữa bệnh.

- Thuốc Nam thuộc Đông Y là một trong những nét đặc trưng của người Phương Đông. Văn hóa, Tâm linh, những điều huyền bí của Phương Đông đang dần được cả Thế giới quan tâm và tìm hiểu, là một người Việt Nam, nằm trong cái nôi của Phương Đông, vậy tại sao tôi lại có thể bỏ qua cơ hội này.

Cổ nhân có câu: "Trời sinh voi trời sinh cỏ", mọi vật trong Ngũ hành đều có tương sinh tương khắc, nếu thiên nhiên tạo ra bệnh, ắt sẽ tạo ra thứ để chữa được bệnh.

-----

Hàn the 1 lá là loại cây tôi được biết đến đầu tiên, trong quá trình học hỏi này của mình.

Dưới đây là hình ảnh và những đặc tính của nó:

Ảnh: cùng thầy Thích Đạo Tôn đi hái thuốc
 
 
Cây hàn the là cây gì?

- Cây hàn the có tên khoa học là Desmodium Heterophyllum, cây thuộc họ Cánh bướm (Fabaceae Papilionaceae). Trong dân gian, cây còn có các tên gọi khác là dây hàn the, sơn lục đậu, thiết tiền thảo, cây hàn the đất (ngoài hàn the 1 lá còn có hàn the 3 lá).
- Cây hàn the là một loại thảo dược được sử dụng rộng rãi trong Đông y, giúp chữa được nhiều loại bệnh hiệu quả. Nó là cây thuốc có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe  (đây không phải là cây để nghiền thành bột hàn the hay dùng trong thực phẩm.)
- Cây hàn the là loại cây thân thảo nhỏ, sống lâu năm, mọc bò, cành trải dài ra mặt đất, bò đến đâu rễ mọc đến đó. Lá chét có 3 lá trông giống tai dơi, mặt trên nhẵn màu xanh lục, mặt dưới có màu nhạt hơn, lá kèm có nhiều vân hình trái xoan nhọn. Cỏ hàn the có ít hoa và thường mọc ở nách, hoa không có cuốn. Hoa có màu tím hồng nhỏ rất đẹp. Quả hàn the hầu như không có cuống, có 3 đến 5 đốt mỗi đốt mới có một hạt. Ta có thể nhân giống cây bằng hạt này.

Nơi mọc:
- Khu vực các nước Đông Nam Á, Ấn Độ.
- Ở Việt Nam, cây hàn the thường mọc ở ven đường, bờ rào, bờ sông suối, bờ ruộng, bờ ao... Có thể thu hái quanh năm.

Tác dụng chính của cây hàn the:
- Là vị phụ trong bài thuốc chữa tán sỏi thận.
- Ngoài ra, cây hàn the có tính mát, vị hơi chua nên dùng để chữa một số bệnh như là đái buốt, lậu ra máu, đau dạ dày, ho khò khè, dùng giải nhiệt, viêm loét hành tá tràng. Ngoài ra còn có thể chữa được các vết thương hở như lở loét, mụn mủ, gãy xương, rò, … (chống viêm, giảm đau tốt)
 
Tác dụng phụ:
Hàn the là cây lành tính, không có độc, không gây ra tác dụng phụ, tuy nhiên cần dùng đủ liều lượng, không nên dùng quá nhiều, bởi cái gì nhiều quá cũng không tốt.
 
Cách sơ chế cây hàn the thành thuốc:
- Sau khi thu hái cây hàn the về, rửa sạch, để ráo nước
- Đem cắt khúc nhỏ thảo dược
- Đem đi phơi hoặc sấy khô, bảo quản nơi khô ráo dùng dần. 
(lưu ý, thảo dược khi phơi phải tuyệt đối tránh mưa).

<Duy Thanh>
 
Ảnh: cây hàn the 1 lá

 






 



THUẬN THEO TỰ NHIÊN

Trong quá trình làm nghề và tư vấn cho bà con, tôi thấy không ít bà con có quan niệm rằng:

 - Nhà cứ rộng là thoáng 

- Nhiều cửa là thoáng 

- Thiết kế mặt bằng có gì đâu, đất nó thế rồi chỉ ngăn được phòng cơ bản như thế, copy y sì một nhà có sẵn là được.

Đây là những sai lầm cơ bản, mà đa số sẽ phải trả giá bằng tiền của chính bà con, bởi mất hàng tỷ để làm nhà nhưng đổi lại là những ngôi nhà ngột ngạt và bất hợp lý. 

Trong Phong thủy có một khái niệm gọi là Khí, vật lý kiến trúc cũng có khái niệm này. Đây chính là yếu tố sẽ quyết định căn nhà của bà con có thoáng mát và dễ chịu hay không. Một dòng sông đóng chặt hai đầu sẽ không còn gọi là dòng sông nữa, mà sẽ gọi là chiếc cống, bởi nước trong dòng là nước tù, không có dòng chảy luân chuyển, dòng sông phải luôn luân chuyển từ thượng nguồn xuống hạ lưu, để mang phù sa và tài nguyên trong nước đi khắp dải đất. 

Ở một quy mô nhỏ hơn là ngôi nhà cũng vậy, nếu nhà bà con có rộng cách mấy, có lòe loẹt và hào nhoáng đến mấy, có nhiều cửa đến mấy... Nhưng không biết cách để "mời" gió vào và dẫn lối cho gió ra, thì đó cũng là một ngôi nhà tù túng và ngột ngạt. Hãy cứ thử ở trong một căn phòng không có cửa sổ hoặc có cửa sổ nhưng không được thiết kế đúng, một thời gian xem, để tự kiểm định bà con nhé. Đừng chặn đường của gió và khí lưu thông bằng những bản vẽ cóp nhặt vô hồn, đừng bịt kín không gian rồi lại làm mát bằng cách lắp những chiếc điều hòa lạnh toát. Làm nhà hãy biết thuận theo tự nhiên, mở đường vào, khéo léo dẫn đường và tạo lối ra cho gió, không những ngôi nhà của bạn mát mẻ, mà đó còn chính là căn cơ Phong thủy. 

Tôi luôn ở đây để lắng nghe và tư vấn cho bà con. 

<KTS. Khương Duy Thanh>

 



ĐỜI XÂY DỰNG

Đời Xây dựng, tuy vất nhưng mà thật vui!


Khi khách hàng hài lòng là chúng tôi vui.
Chuẩn bị làm nhà mọi thiết kế của chúng tôi đều gắn cái tâm, cái tình vào trong đó. Việc làm nhà không chỉ là làm nhà, chỉ đưa những lý thuyết khô cứng và những nguyên tắc chủ quan của những nhà thiết kế vào trong đó nữa. Chúng tôi muốn được trao đổi nhiều hơn, kỹ hơn, để có thể nắm bắt được những mong muốn, nhu cầu và đặc biệt là thói quen riêng của từng Gia đình, đôi khi chính những gia đình họ cũng chưa hiểu được chính xác những mong muốn của họ, việc của chúng tôi là nghe và phiên dịch những nhu cầu chưa rõ ràng đó thành những ngôn ngữ bản vẽ trực quan để giúp họ định hình rõ hơn, rõ hơn về bản chất.


Ông bà ta hay bảo rằng: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Còn ở Chuẩn bị làm nhà chúng tôi kết nối, tìm vấn đề và giải quyết hài hoà tất cả những nhu cầu của họ, đưa ngôi nhà thành hiện thực; có gia đình cả nhà mỗi người một ý kiến không ai chịu nhường ai, chúng tôi lắng nghe tất cả để tìm ra phương án tốt nhất cho tất cả họ, đôi khi ta chẳng cần phải giải thích hay đưa ra lời khuyên gì nhiều, điều họ cần là sự lắng nghe từ đối phương, chỉ lắng nghe mà thôi; có gia đình tất cả đã chuẩn bị xong xuôi nhưng vướng thủ tục về giấy phép xây dựng, chúng tôi cố gắng tìm cách để kết nối họ với những nơi và người có thể giải quyết; có gia đình thì người phụ nữ phải đứng ra lo và làm tất cả mọi việc từ kinh tế đến xây nhà, mặc dù đáng nhẽ ra đó là việc của đàn ông, chúng tôi đến giám sát nhiều hơn một chút, hỏi han thường xuyên về quá trình làm nhà có vướng mắc gì không, nhiều hơn một chút... Tất cả những việc này nằm ngoài hợp đồng thoả thuận của chúng tôi với Gia chủ, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm thật tốt, không phải vì chúng tôi rảnh, chúng tôi cũng chả dở hơi đâu, đơn giản nó làm công việc của chúng tôi vui vẻ và mỗi ngày trôi qua đều trở nên thật ý nghĩa.

 <KTS. Khương Duy Thanh> 

 



 

 

9/3/20

KỸ NĂNG "BƯỚC ĐI MỘT MÌNH"

Nhiều người đổ xô đi học những kỹ năng mềm để phát triển bản thân nhưng lại bỏ quên mất một kỹ năng đặc biệt quan trọng: Kết nối với chính mình và bước đi độc lập.

Chúng ta sống trong một thế giới luôn có nhiều người bao xung quanh, từ nơi làm việc, cửa hàng đến những chiếc điện thoại thông minh với mạng xã hội. Chúng ta dường như quên cách tận hưởng cuộc sống của riêng mình một cách độc lập.

Trên thực tế, xã hội luôn có xu hướng gán "sự cô đơn" cho bất kỳ ai muốn ở một mình, thậm chí cho rằng họ bị "trầm cảm". Trong khi đó, những người thành công đáng ngưỡng mộ trên thế giới lại nổi tiếng là những người độc lập và thích ở một mình.

Nhà khoa học Blaise Pascal đã từng nói: "Mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không học cách chấp nhận sự cô đơn". Theo Pascal, chúng ta sợ sống và tồn tại trong im lặng, sợ việc không là là một cái gì đó trên đời, nhưng chúng ta lại chưa bao giờ học cách ở một mình.

Nhiều người trong chúng ta đã thành thạo rất nhiều kỹ năng từ xã hội, nhưng lại dường như bỏ qua kỹ năng quan trọng nhất trong tất cả: Khả năng học một mình, tìm hiểu điểm yếu, điểm mạnh của chính mình, suy ngẫm về con đường phía trước hay chỉ đơn giản là ngồi xuống và quan sát cuộc sống của chính mình. Chính sự thiếu kết nối với bản thân đã dẫn đến những "thiệt hại" to lớn mà không phải ai cũng nhận ra.


Dưới đây là 4 cách giúp bạn sống độc lập một cách vui vẻ:

- Thay đổi hoàn cảnh

Bạn không cần phải thực hiện điều này mọi lúc, nhưng một trong những cách để tận hưởng cuộc sống của riêng mình là thực hiện một chuyến đi xa hoặc chạy bộ một mình. Có thể khá khó để thực hiện điều này khi xung quanh bạn luôn có những gương mặt quen thuộc. Đó cũng là lí do mọi người thường đi nghỉ xa nhà, tìm một môi trường mới để làm mới bản thân. Chỉ cần ra ngoài, ở một mình, suy ngẫm và tận hưởng cuộc sống riêng của bạn.

- Tắt tất cả các thiết bị công nghệ

Chúng ta đang sống trong thế giới của truyền thông kỹ thuật số, các thiết bị công nghệ tác động lên hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn thực sự muốn rèn luyện sự độc lập của mình, hãy bỏ điện thoại xuống, tránh xa mạng xã hội Facebook, Instagram....

- Suy ngẫm

Bây giờ, bạn chỉ có một mình, đã đến lúc suy ngẫm về những gì bạn muốn, những gì bạn đã làm và những gì bạn muốn làm. Không gian yên lặng hoặc một chút âm nhạc nhẹ nhàng có thể sẽ hữu ích. Dù bằng cách nào, một trong những cách giúp chính bạn trở nên tốt hơn là suy ngẫm về chính mình với mục đích thúc đẩy bản thân tiến về phía trước.

- Đối xử tốt với bản thân

Đi xem phim, mua một món ăn ngon hoặc một chiếc kem mát lạnh cho chính mình. Ở một mình không chỉ là thời gian để bạn suy ngẫm mà còn là lúc bạn nên nuông chiều bản thân một chút. Hãy đối xử với bạn thân theo cách tốt nhất có thể và tận hưởng sự hạnh phúc đó.

Ở một mình có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng nó là bước khởi đầu để từ đó bạn tìm ra cách giải quyết mọi vấn đề. Hãy thư giãn và suy ngẫm về những thói quen của bạn, xem chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào. Thực hiện được điều này bạn sẽ nhận ra, việc dành thời gian để ở một mình sẽ giúp bạn nhận được những thứ tuyệt vời không ngờ.


Khi bạn đã biết cách khiến cho bản thân trở nên vui vẻ khi ở một mình, thì dưới đây sẽ là 6 lợi ích bạn có thể mong đợi từ khoảng thời gian "ở một mình":

1. Hỗ trợ sự phát triển cá nhân

Ngoài tất cả các kỹ năng chúng ta có được từ những cuốn sách về phát triển bản thân, thời gian ở một mình cũng góp phần đáng kể giúp bạn trở nên tốt hơn. Thông qua đó, bạn có thể lập kế hoạch, đặt ra những câu hỏi để điều hướng cuộc sống của mình phát triển theo hướng đúng đắn hơn.

Để phát triển, điều quan trọng hơn là bạn phải có thời gian tự đặt mình ra ngoài dòng chảy cuộc sống, các mối quan hệ bạn bè, gia đình để có thể đánh giá mọi thứ một cách khách quan, đúng đắn.

2. Tiếp thêm động lực

Có những lúc chúng ta căng thẳng bởi công việc, gia đình, bạn bè, và thời gian ở một mình là cách tuyệt vời giúp bạn làm mới bản thân và tiếp thêm năng lượng. Đây là thời gian để bạn tự chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi, giải trí và tránh xa cuộc sống căng thẳng, phức tạp.

3. Tăng giá trị của bạn trong một mối quan hệ

Tới thời điểm bạn muốn ở một mình, bạn đã có ý thức nhất định về mối quan hệ của bạn và người khác. Ở một mình giúp bạn đánh giá đúng và nhìn thấy tổng quát toàn bộ mối quan hệ của mình.

4. Tăng sự tự tin

Một lợi ích tuyệt với khác của việc ở một mình là giúp tăng cường sự tự tin và lòng tự trọng của bạn. Bạn càng dành nhiều thời gian ở một mình, bạn càng cảm thấy thoải mái với những kỹ năng của mình, nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.

5. Sự khác biệt giữa cô đơn và "ở một mình"

Nhiều người không dành đủ thời gian cần thiết để ở một mình vì họ không muốn bị đánh giá là kẻ cô đơn. Tuy nhiên, mong muốn được ở một mình khác biệt rất nhiều với sự cô đơn. Đôi khi, bạn không biệt được giữa 2 khái niệm này.

Cô đơn là bạn rất mong muốn được liên hệ, giao tiếp với một hoặc nhiều người nào đó nhưng không thể. Nó trở thành một nối ám ảnh và tác động xấu đến tất cả những việc bạn làm, khiến bạn bực bội với cả thế giới.

Mặt khác, mong muốn ở một mình là quyết định của bạn bằng lý trí, tránh xa mọi người và tận hưởng không gian của riêng mình để suy ngẫm về cuộc sống của bạn và những gì sắp diễn ra.

(sưu tầm)